Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của người lao động (NLĐ) tại Công ty CP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Prosimex (gọi tắt là Công ty Prosimex) về việc công ty này đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái pháp luật đối với 14 lao động khi tiến hành tái cơ cấu khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn.
Bỗng dưng mất việc
Công ty Prosimex có địa chỉ tại số 45/35 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Công ty được thành lập từ năm 1989 với tiền thân là cơ sở tăng gia sản xuất của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương). Đến tháng 6/2006, Công ty được cổ phần hóa và chuyển đổi thành công ty cổ phần. Tại thời điểm trước khi cổ phần hóa, Công ty có khoảng 300 lao động nhưng đến nay chỉ còn khoảng 30 lao động.
Cũng theo phản ánh của NLĐ, do gặp khó khăn trong kinh doanh và không thể bố trí, sắp xếp được việc làm cho NLĐ nên ngày 16/9/2015, Ban lãnh đạo Công ty Prosimex đã ra thông báo cho NLĐ (trong đó có trên 50% số lao động hiện đang làm việc tại Văn phòng của Công ty) về việc sẽ đơn phương chấm dứt HĐLĐ kể từ ngày 1/11/2015 đối với 14 lao động gồm: 1 Phó Phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu, 3 nhân viên Phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu, 1 Trưởng và 1 Phó Phòng Kế hoạch đầu tư, 4 nhân viên tổ bảo vệ… trong khi họ vẫn muốn tiếp tục làm việc tại Công ty.
Điều khiến NLĐ bức xúc hơn nữa là việc họ đều là những người đã ký HĐLĐ không xác định thời hạn với Công ty Prosimex; họ bị buộc thôi việc mà không dựa trên tiêu chí nào và phía Công ty cũng không thể sắp xếp, bố trí được việc làm cho NLĐ.
Doanh nghiệp thừa nhận làm sai
Liên quan đến vụ việc này, ông Đoàn Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc Công ty Prosimex thừa nhận, Công ty đã làm sai khi không tuân thủ quy định của Bộ luật Lao động trong quá trình cho 14 lao động thôi việc. Cụ thể là Công ty đã không xây dựng phương án sắp xếp lao động và không thông báo đến Sở LĐTB&XH.
Đổ lỗi cho vi phạm này, ông Bình cho rằng, do Công ty làm ăn thua lỗ nhiều năm nay nên không thể trả lương cho NLĐ và Công ty hiện chỉ còn khoảng 30 lao động đang làm việc. Nguồn thu để trả lương cho CBCNV chỉ trông chờ vào kinh phí từ việc cho thuê nhà xưởng. Trước đó, năm 2010, do kinh doanh gặp khó khăn nên Nghị quyết của Đại hội cổ đông của Công ty đã thống nhất tinh giản biên chế và từ đó đến năm 2013, Nghị quyết Đại hội cổ đông đều thống nhất về vấn đề này.
Khi phóng viên hỏi về quy trình cho NLĐ thôi việc, ông Bình cho hay, phía Công ty đã nhận thức được thiếu sót nên đã có biện pháp khắc phục. Tính đến thời điểm hiện tại, 2 trong số 14 lao động kể trên đã có đơn xin thôi việc và nhận chế độ; 12 lao động còn lại, vào ngày 4/11, Công ty đã có buổi họp và thỏa thuận về việc chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn. Sau khi trao đổi, bàn bạc, các bên thống nhất: Công ty và 12 lao động đồng ý thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn từ ngày 1/12/2015. Công ty và người lao động thỏa thuận mức chi trả trợ cấp khi chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn là 1,5 tháng lương/1 năm công tác thực tế và hỗ trợ 3 tháng lương để NLĐ đi tìm việc làm mới.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ, đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh, làm rõ sự việc, đồng thời có biện pháp giám sát việc thực hiện chế độ của Công ty Prosimex đối với những lao động kể trên như đã cam kết, tránh đơn thư khiếu kiện kéo dài.
Trụ sở của Công ty Prosimex - nơi 14 người lao động bị cho thôi việc trái pháp luật.
|