KTĐT - Tuyến metro đầu tiên của Thủ đô với đoạn Nhổn - ga Hà Nội sẽ được đầu tư xây dựng theo thiết kế của dự án từ đền Voi Phục đến phố Nguyễn Văn Ngọc.
Công viên Thủ Lệ "hiện lên" trong qui hoạch mới này không chỉ có chức năng vui chơi giải trí, mà còn "đảm bảo là một khu công viên trong lành, xứng đáng là lá phổi xanh của thành phố, đáp ứng được nhu cầu tinh thần cho nhân dân".
Thêm cầu đi bộ qua hồ
Theo Qui hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 vừa được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ký duyệt cùng Điều lệ quản lý xây dựng theo qui hoạch chi tiết này, tổng diện tích đất công viên Thủ Lệ khoảng 21,91ha.
Phần đất Vườn thú Hà Nội đang quản lý, sử dụng (diện tích khoảng 643m2) nằm ngoài phạm vi nghiên cứu qui hoạch chi tiết Công viên Thủ Lệ và là phần đất mở đường theo qui hoạch. Các cơ quan chuyên môn đề nghị Thành phố thu hồi để mở đường. Trước mắt, tạm giao phần đất này cho Vườn thú Hà Nội quản lý, khi mở đường phải trả lại, tuyệt đối không xây dựng công trình.
Tuyến metro đầu tiên của Thủ đô với đoạn Nhổn - ga Hà Nội chạy qua đây sẽ được đầu tư xây dựng theo thiết kế của dự án từ đền Voi Phục đến phố Nguyễn Văn Ngọc (kể trên). Chiều rộng mặt cắt ngang tại đoạn này sẽ điều chỉnh để có thêm hành lang bố trí đường sắt đô thị và tổ chức lòng đường xe chạy cho phố Kim Mã, đồng thời mở rộng cục bộ mặt cắt ngang về phía công viên.
Khu đất chính thức có chức năng làm công viên vui chơi giải trí được hoạch định diện tích 196.277m2, trong đó các cơ quan kiến nghị thu hồi khoảng 1.757m2 đất ở dân cư hiện có để giải phóng mặt bằng, đồng thời thu hồi khoảng 1.726m2 đất giao thông hiện có giao cho Vườn thú Hà Nội xây dựng công viên.
"Trước mắt tồn tại chức năng vườn thú, về lâu dài vườn thú sẽ chuyển đi vị trí thích hợp theo qui hoạch chung của Thành phố" - lãnh đạo Hà Nội cho biết. Công viên Thủ Lệ chủ yếu gồm các chức năng chính: đất khu quản lý công viên (1.602m2); đất giáo dục, bảo tồn động, thực vật (1.692m2); đất bãi đỗ xe (3.968m2); đất nuôi, trưng bày thú (27.248m2); đất đường chính trong công viên (24.207m2); đất cây xanh, vườn hoa (49.834m2) và hồ Thủ Lệ (87.726m2).
Hồ Thủ Lệ sẽ được cải tạo kè bờ hồ trên cơ sở mép hồ hiện trạng và tổ chức đường dạo bao quanh hồ. Hồ này có chức năng điều tiết, thoát nước, tránh úng ngập trong khu vực đồng thời được kết hợp với cây xanh tạo cảnh quan "lãng mạn" cho công viên.
Qui hoạch "mới tinh" cũng bố trí thêm hai cầu đi bộ qua hồ (kết cấu nhẹ) nối từ khu công viên chính sang đảo và từ đảo sang khu di tích, nhằm thuận lợi cho khách đi dạo, tham quan, trong khi vẫn giữ nguyên qui mô hai cầu bê-tông cốt thép hiện hữu nối ra đảo. Đảo sẽ là khu vực cây xanh yên tĩnh để khách nghỉ ngơi, ngắm cảnh và chỉ đan xen một số chuồng thú nhỏ.
Hạn chế xây công trình lớn trong công viên
Với qui hoạch chi tiết công viên Thủ Lệ, Thành phố Hà Nội chủ trương giữ lại hầu như toàn bộ đất cây xanh, vườn hoa hiện hữu. Công trình qui mô lớn bị hạn chế xây dựng trong công viên, chỉ "dung nạp" các công trình qui mô nho nhỏ, cao thấp đan xen trong khu cây xanh và tuyệt đối "không xây dựng các công trình làm che chắn tầm nhìn trên mặt đường chính bao quanh công viên, để tạo không gian thông thoáng".
Mật độ xây dựng trong công viên Thủ Lệ được qui hoạch 1/500 này giữ ở mức thấp, dành nhiều đất cho cây xanh, vườn hoa. "Chen" giữa cây xanh, chỉ có các công trình phục vụ như nhà nghỉ chân, chòi trú mưa nắng, quầy lưu niệm, quán giải khát, nhà vệ sinh... được phép xây dựng.
Các công trình xây dựng theo qui hoạch công viên này đều sẽ phải lùi sâu so với chỉ giới đường đỏ, nói chung đều phải qui mô nhỏ, chiều cao và mật độ xây dựng thấp, kiến trúc hài hòa với mặt nước, cây xanh.
Khu nuôi và trưng bày thú được qui cụm gọn, tập trung trên cơ sở các chuồng hiện nay nhưng lùi sâu hơn vào trong, cách xa tường rào công viên. Các nhà qui hoạch có ý ngăn cách khu nuôi thú này với bên ngoài bằng các dải cây xanh, chống ô nhiễm môi trường, phản cảm.
Về cơ bản, Công viên Thủ Lệ vẫn sẽ có các khu: chim, gà; động vật biển và nước ngọt; bò sát lưỡng cư; thú móng guốc; thú dữ; thú nhỏ và loài bộ hầu...
Khu thể dục thể thao tại công viên này cũng được kết hợp trong khu cây xanh, phục vụ các hoạt động như: cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, đá cầu... và qui hoạch này hoàn toàn không nhắc đến sự tồn tại của "nhà phụ trợ" mang tên Phố Ngói.