Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius khẳng định các quốc gia thảo lượng đã “tiến rất gần tới điểm đích” sau khi tiếp tục công bố văn bản khung mới của thỏa thuận này ngày 10/12. Tuy nhiên, ông Fabius cũng cho biết các thỏa thuận sẽ được kéo dài hơn 1 ngày so với dự kiến, tới thứ bảy (12/12).
Các nhà đàm phán từ chính phủ trên toàn thế giới tiếp tục nỗ lực để dẹp bỏ những khác biệt còn tồn tại để biến văn bản nói trên trở thành một thỏa thuận hiệu lực từ năm 2020 với mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất không ấm lên quá 2 độ C.
Một số vấn đề tranh cãi chưa được hóa giải trong quá trình đàm phán 11 ngày qua:
* Các quốc gia chưa thể thống nhất với mục tiêu 2 độ C, thay vào đó một số đảo quốc và quốc gia dễ ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cao do trái đất ấm lên cho rằng 1,5 độ C là thích hợp. Một số bộ trưởng cho biết họ không thể về nước với mục tiêu này.
Bản dự thảo thảo luận cuối cùng đang phấn đấu giải quyết được bất đồng này. Phương án khả thi nhất hiện nay là giữ mục tiêu trái đất không nóng lên quá 2 độ C của giai đoạn tiền công nghiệp và đồng thời vẫn theo đuổi nỗ lực giới hạn xuống còn 1,5 độ C.
* Việc phân chia trách nhiệm tài chính cũng là khúc mắc chính. Theo New York Times, chỉ vừa gượng dậy sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, châu Âu và Mỹ đang cố chuyền trái bóng trách nhiệm tài chính choTrung Quốc.
Nhưng Bắc Kinh sau đó than thở rằng họ vẫn còn nghèo. “Trung Quốc xem mình là một quốc gia đang phát triển” - Giám đốc Li Junfeng phụ trách chiến lược biến đổi khí hậu của Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc nói.
“Mới tuần trước ăn mừng việc trở thành một trong những sức mạnh kinh tế lớn của thế giới khi Quỹ Tiền tệ quốc tế nâng cấp đồng nhân dân tệ vào hàng những đồng tiền dẫn đầu bên cạnh USD, euro, yen và bảng Anh, tuần này họ lại than nghèo” - tờ New York Times mỉa mai.
Bên cạnh đó, các quốc gia đang phát triển vẫn mong muốn thỏa thuận rõ ràng hơn về số lượng vốn tài trợ nhằm giúp họ giảm phát thải, cụ thể là 100 tỷ USD/năm từ giờ tới năm 2020 sẽ là mức sàn tối thiểu cho giai đoạn sau 2020. Bản dự thảo mới nhất vẫn tồn tại khác biệt về con số này.
* Các quốc gia phát triển bao gồm Mỹ, Australia và một số nước khác cũng yêu cầu dự thảo làm rõ hơn việc cuối cùng thì tất cả các quốc gia có phải chịu trách nhiệm và báo cáo về mức phát thải theo cùng một phương thức, với sự rà soát thường xuyên của các ủy ban khí hậu quốc gia.