Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cốt yếu ở giáo viên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đổi mới phương pháp dạy chính là làm cho trẻ hào hứng, yêu thích, say mê học tập, làm cho trẻ bộc lộ và phát triển năng lực cá nhân.

Nhiều vấn đề đã được lãnh đạo phòng GD&ĐT quận, huyện, giáo viên (GV) các trường đưa ra bàn bạc, mổ xẻ tại hội thảo "Giải pháp đổi mới dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục lớp 1" do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức sáng 13/12, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục lớp 1. Đây được cho là tiền đề trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam.

 
Giờ học chính tả của cô và trò trường Tiểu học Lê Văn Tám, quận Hai Bà Trưng.Ảnh: Trung Việt
Giờ học chính tả của cô và trò trường Tiểu học Lê Văn Tám, quận Hai Bà Trưng.Ảnh: Trung Việt
Giáo viên phải phát âm chuẩn

Đổi mới và nâng cao chất lượng dạy - học lớp 1 được "xoáy" vào các vấn đề: Cơ sở vật chất; đổi mới kiểm tra đánh giá; sự vào cuộc của phụ huynh học sinh (HS)… Trong đó, vấn đề lựa chọn chất lượng đội ngũ giáo viên được cho là yếu tố quyết định trong việc nâng cao chất lượng dạy - học. Theo bà Bùi Thị Thu Hằng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng, nâng cao chất lượng giáo dục cho HS lớp 1 phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, phòng đã tập trung vào 3 yếu tố cơ bản: Yêu cầu các nhà trường lựa chọn GV dạy lớp 1 phải đảm bảo các tiêu chí: Làm việc có trách nhiệm, tâm huyết; có kinh nghiệm giảng dạy… Đặc biệt phải tuyển GV phát âm chuẩn, không nói ngọng. Ngoài ra, dành sự đầu tư tốt nhất cho lớp 1, quan tâm đến hệ thống đèn, bàn ghế phù hợp với HS lớp 1.

Đồng quan điểm trong việc nâng cao chất lượng giáo dục lớp 1, bà Phan Thị Ngọc - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) cũng cho rằng, cần đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách kiểm tra, đánh giá. "Trường có 31 lớp, hơn 1.800 HS, cơ sở vật chất mặc dù còn chưa đáp ứng đủ, thiếu lớp học, nhưng vì nhận thấy được tầm quan trọng của HS lớp 1, nên Ban Giám hiệu đã bố trí trang bị đầy đủ, dành điều kiện tốt nhất cho HS lớp 1. Đặc biệt, trường đã chú trọng đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá. Việc đánh giá tạm thời HS lớp 1 chỉ dừng lại ở mức độ nhận xét, không chấm điểm HS. Đồng thời, trường đã có phương án, hướng dẫn giáo viên về câu chữ đánh giá sao cho phù hợp" - bà Ngọc chia sẻ.

Giáo viên bị động trong nhận xét học sinh

Đa số đại biểu kiến nghị Sở nên ra đề kiểm tra điều kiện cuối năm, để đánh giá được mặt bằng chung giữa các vùng và các trường, từ đó có định hướng, giải pháp cho những đơn vị chưa tốt. Theo cô Trần Thị Thuý Hường - GV trường Tiểu học Mai Đình B (huyện Sóc Sơn), đổi mới phương pháp dạy chính là làm cho trẻ hào hứng, yêu thích, say mê học tập, làm cho trẻ bộc lộ và phát triển năng lực cá nhân. Quan trọng hơn, GV cần phải biết làm chủ lớp học, thiết lập bầu không khí thân thiện, chủ động giải quyết mọi tình huống bất thường, rèn luyện cho HS lựa chọn phương pháp học tập hiệu quả… Đặc biệt, trong quá trình học tập, HS cũng cần được đánh giá một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, câu hỏi đánh giá như thế nào và để làm gì vẫn đang là băn khoăn của đa số GV.

 "Việc không cho điểm HS lớp 1 mà chỉ bằng nhận xét của GV có ưu điểm là không gây áp lực cho phụ huynh và HS; HS tự tin hơn khi đến trường, không lo lắng khi bị điểm kém hơn các bạn và hạn chế được dạy thêm - học thêm, học trước chương trình. Tuy nhiên, ngoài ưu điểm trên, thì việc không chấm điểm HS lớp 1 khiến phụ huynh lo lắng, không biết con học thế nào. Đặc biệt, đối với GV chúng tôi, khi đánh giá HS còn chưa đảm bảo tính chủ động, thống nhất; GV còn bị động trong quá trình thực hiện. Vì vậy, Sở GD&ĐT Hà Nội nên tổ chức các lớp tập huấn, đánh giá HS lớp 1. Biên soạn mẫu sổ chung để triển khai đến nhà trường, để nhà trường thực hiện cách đánh giá HS lớp 1 phù hợp, đồng nhất trên toàn TP" - cô Hường kiến nghị.

Xung quanh vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục lớp 1, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Muốn đổi mới chất lượng giáo dục, trước hết phải tập trung vào giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó tập trung đổi mới chất lượng đội ngũ GV. "Đội ngũ giáo viên phân công dạy lớp 1 phải viết chữ đẹp, không nói ngọng, đặc biệt là tâm huyết với nghề, năng động, sáng tạo… cùng nhiều tiêu chí khác để chọn ra được phương pháp dạy tốt nhất. Đặc biệt, để nâng chất lượng giáo dục lớp 1, trước hết phải quan tâm tới cơ chế chính sách lương cho GV lớp 1, bằng hình thức nào đó thể hiện sự quan tâm đến họ một cách tốt nhất, ví dụ như mỗi tháng hỗ trợ thêm 500.000 đồng để tạo động lực cho họ... Ngoài ra, cần đổi mới cách đánh giá, có sự kiểm tra sát sao, tăng cường học tốt hơn cho HS. Khâu đánh giá, nhận xét HS lớp 1 là một trong những cách đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục" - ông Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.