Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng ngày 27/6, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 9.903.774 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong đó có 496.796 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 5.357.153 người.
Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu về số ca nhiễm, tiếp theo đó là Brazil, Nga, Ấn Độ và Anh.
Thủ tướng Anh cảnh báo người dân thế giới đang lơ là với Covid-19
Trước tình hình đại dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng trở lại tại một số nước đã nới lỏng các biện pháp phòng ngừa, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhận định sự lơ là, chủ quan của người dân nhiều nước trong việc tuân thủ các hướng dẫn y tế phòng dịch, cũng như sự coi thường của giới trẻ là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng trở lại này.
Phát biểu hôm 26/6, Thủ tướng Johnson cho rằng ở nhiều nước nơi dịch bệnh vẫn còn hoành hành, có một bộ phận không nhỏ người dân không có ý thức tự giác tuân thủ các hướng dẫn y tế, tự do đi lại giữa đám đông mà không có các thiết bị bảo hộ (khẩu trang, găng tay...) và không đảm bảo khoảng cách giãn cách xã hội.
Nhà lãnh đạo Anh nhấn mạnh đến ý thức của từng cá nhân trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là những người trẻ tuổi, những người có thể không bị ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh nhưng lại có thể là nguồn lây nhiễm tước đoạt sinh mệnh của người khác, đặc biệt những người cao tuổi. Thủ tướng Johnson Anh kêu gọi mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác trong phòng và chống dịch Covid-19 hiện nay.
Dự kiến, Anh sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế tại xứ England, cho phép các quán bia, nhà hàng và quán rượu mở cửa trở lại từ ngày 4/7.
Anh hiện là nước chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nghiêm trọng thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Brazil, Nga và Ấn Độ.
Dịch Covid-19 có nguy cơ mất kiểm soát tại Mỹ
Vùng dịch lớn nhất thế giới vẫn là Mỹ, trong những ngày gần đây, số bệnh nhân nhiễm mới Covid-19 tại Mỹ liên tục gia tăng.
Theo thống kê mới nhất của Đại học Johns Hopkins, trong 24 giờ qua, Mỹ đã ghi nhận thêm hơn 40.700 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Đây là con số cao nhất từ trước tới nay. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ trước đó là 35.900 người.
Tổng số bệnh nhân tại Mỹ hiện là hơn 2.462.000 người, trong đó hơn 124.000 bệnh nhân đã tử vong.
Trung tâm Kiểm soát và và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã công bố báo cáo cho thấy khoảng từ 5-8% dân số nước này đã nhiễm Covid-19. Ước tính này dựa trên các khảo sát đại diện các kết quả xét nghiệm kháng thể trên toàn quốc. Các khảo sát cũng chỉ ra số ca mắc bệnh Covid-19 tại Mỹ trên thực tế có thể còn gấp 10 lần số ca đã được xác nhận chính thức.
Dân số Mỹ hiện là 329,8 triệu người và CDC ước tính con số thực tế những người đang nhiễm hoặc từng nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể nằm trong khoảng từ 16,5 đến 26,4 triệu người.
Trong khi đó, Giám đốc CDC Robert Redfeild cho biết tỷ lệ nhiễm virus không đồng đều trên cả nước, có những bang tỷ lệ phát hiện kháng thể chưa đến 2% tức là còn phần lớn người dân trong khu vực vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh.
Những số liệu trên được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại Mỹ khi nhiều bang dần khôi phục hoạt động sau thời gian phong tỏa để ngăn chặn dịch lây lan.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 26/6 cho biết hiện vẫn còn 16 bang đang chứng kiến tình hình dịch bệnh phức tạp với tỷ lệ tăng lên.
Phó Tổng thống Mỹ cũng cho biết, khoảng 1 nửa số ca mắc mới thuộc nhóm người dưới 35 tuổi và chính phủ đang tập trung nguồn lực vào những khu vực dịch bệnh gia tăng ở phía Nam, kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội.
Một số bang ở miền Nam và Tây của Mỹ đang trải qua những ngày gia tăng số lây nhiễm mới một cách đáng lo ngại. |
Một số chuyên gia y tế cảnh báo nhiều bang có thể rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm hàng đầu và cũng là cố vấn Nhà Trắng Anthony Fauci mô tả một số bang ở miền Nam và Tây đang trải qua những ngày gia tăng số lây nhiễm mới "một cách đáng lo ngại".
Một số bang kiểm soát tốt dịch bệnh ở phía Đông Bắc như New York, New Jersey và Connecticut đã khuyến cáo những người dân từ các điểm nóng dịch bệnh ở bang khác tự cách ly khi đến những bang này.
Theo các chuyên gia, những yếu tố như thiếu sự thống nhất trong các biện pháp ứng phó chính thức, chính sách đeo khẩu trang và giãn cách xã hội không mang tính bắt buộc hay tâm lý tự mãn chính là những yếu tố khiến Mỹ tới nay vẫn chưa thể qua giai đoạn đỉnh dịch./.