Mức tăng 0,69% được coi là khá thấp bởi tháng 1 năm nay được kỳ vọng giá cả sẽ tăng cao do trong tháng có các ngày nghỉ lễ có đà cho tăng giá như lễ Noel, tết dương lịch và nhất là thời điểm cận kề với Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.
So với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 của Hà Nội tăng 0,7%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,4%; Thái Nguyên tăng 0,43%; Hải Phòng tăng 0,67%; Thừa Thiên Huế tăng 0,92%; Đà Nẵng tăng 0,74%; Khánh Hòa tăng 0,86%; Gia Lai tăng 1,29%; Vĩnh Long tăng 0,4%; Cần Thơ tăng 0,83%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 đã tăng ở 10/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung, với mức tăng từ 0,01-1,22%; trong đó tăng cao nhất vẫn là nhóm giao thông và nhóm văn hóa, giải trí du lịch.
Do là tháng tết nên giá một số mặt hàng như lương thực, thực phẩm tăng khá mạnh: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,77%, trong đó lương thực tăng tới 1,33%, thực phẩm tăng 0,75%.
Tuy nhiên, với việc tăng giá xăng và nhu cầu đi lại dịp tết, Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá giao thông tháng cận Tết Nguyên đán đã tăng tới 1,22%, tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 1,02%, may mặc mũ nón giày dép tăng 0,89%...
Giá dầu thế giới tăng cao cũng là nguyên nhân khiến giá gas bán lẻ trong nước tăng kỷ lục vào tháng trước. Dư âm của đợt tăng giá đó vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ khiến chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,02% bất chấp trong tháng có 1 đợt giảm giá gas nhẹ và giá các mặt hàng vật liệu xây dựng đang trong xu hướng giảm.
Ngoài ra, nằm ngoài rổ tính giá, chỉ số giá vàng tháng 1/2014 giảm 1,82% so với tháng trước; giảm 25,74% so với cùng kỳ năm 2013. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,06% so với tháng trước nhưng tăng 1,03% so với cùng kỳ năm 2013.
CPI cả nước tháng 1/2014 tăng 0,69%.
|