Đến thời điểm này có thể đánh giá CPI cả năm nay sẽ tăng rất thấp. Vậy, những yếu tố nào đã làm cho CPI tăng thấp như vậy?
CPI tăng thấp nhất trong 15 năm qua
So với chỉ tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra cho năm 2015 (tăng 5%), CPI năm nay tăng rất thấp, đây là điều mà trong 15 năm mới có vài năm đạt được (năm 2014 và 2015). Một điểm dễ nhận biết là CPI cho đến nay đã thấp hơn so với nhiều dự đoán từ nhiều tháng trước. Từ 6 tháng, 9 tháng và cho đến khi công bố Dự thảo Văn kiện Đại hội XII, hay báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, vẫn tiếp tục dự báo CPI cả năm tăng khoảng 5%. Trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ khi trả lời chất vấn cuối Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội vẫn đưa ra dự báo cả năm tăng dưới 2%. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, ngay từ tháng 7, tháng 8 và 9 tháng đầu năm đã dự báo cả năm có thể tăng thấp hơn tốc độ tăng của năm trước (1,84%).
Mua hoa quả tại chợ Hôm. Ảnh: Công Hùng
|
Tốc độ tăng CPI năm nay của Việt Nam cũng được ghi nhận thấp hơn cả tốc độ tăng CPI theo “ngưỡng” (khoảng 2%) của nhiều nước phát triển, nhiều nước có nền kinh tế thị trường lâu năm.
Lạm phát chưa được kiểm soát
Việc CPI tăng rất thấp của Việt Nam năm nay do nhiều yếu tố, trong đó có 4 yếu tố chủ yếu.
Trước hết là yếu tố giá cả thế giới. So với cùng kỳ năm trước, bình quân 9 tháng năm nay, giá xuất khẩu giảm 3,86%, giá nhập khẩu giảm 4,5%, trong đó có nhiều mặt hàng còn giảm nhiều hơn, nhất là giá xuất khẩu dầu thô, xăng dầu, cao su, sắt thép, gạo...., giá nhập khẩu xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, lúa mì, ngô, đậu tương, sắt thép, bông, sợi... Trong điều kiện mở cửa hội nhập ngày một sâu rộng, Việt Nam có tỷ lệ xuất nhập khẩu/GDP ở mức rất cao trên thế giới, theo nguyên tắc “bình thông nhau”, giá cả thế giới xuống sẽ kéo giá cả trong nước xuống theo.
Yếu tố thứ hai là giá lương thực - mặt hàng thiết yếu nhất, chiếm tỷ trọng cao trong chi tiêu dùng của dân cư: 3 năm trước giảm hoặc tăng thấp, sau 10 tháng năm nay giảm 2,4%.
Yếu tố thứ ba là quan hệ cung - cầu từ 3 năm nay đã chuyển dịch theo hướng cầu nhỏ hơn cung (mặc dù tốc độ tăng của tổng cầu gần đây có cao hơn của tổng cung). Thu nhập của nông dân do giá nông sản giảm mà tăng thấp, của một bộ phận còn bị giảm. Thu nhập của công nhân viên chức do đã 4 năm không tăng lương tối thiểu, của công nhân viên ở các DN phá sản, giải thể, tạm ngừng hoạt động với số lượng lớn và tăng liên tục trong các năm qua... nên cũng tăng thấp.
Yếu tố thứ tư là về mặt điều hành, tuy coi trọng về kiềm chế lạm phát là đúng, nhưng vẫn nghiêng về kiềm chế mà chưa phải là kiểm soát theo mục tiêu. Đây là bài học kinh nghiệm trong việc kiểm soát lạm phát.
CPI tăng thấp là thời cơ cho các chủ thể trên thị trường. Người tiêu dùng một mặt có điều kiện ổn định hoặc cải thiện mức sống thực tế, mặt khác có thể gửi tiết kiệm khi lãi suất thực dương đã kéo dài. Các DN có thể tranh thủ thời cơ giá thế giới thấp để đẩy mạnh mua và dự trữ nguyên phụ liệu cho sản xuất. Các nhà hoạch định chính sách vĩ mô có thể nới lỏng chính sách tiền tệ...