Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

CPI tháng 10 cả nước tăng 0,85%

Chia sẻ Zalo

KTĐT - CPI tháng 10 đã hạ nhiệt nhưng vẫn tăng khá cao là do tác động tăng giá của nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, nhất là sự tăng giá rất lớn của nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục - hai nhóm này chiếm tỷ trọng khoảng 10% trong Rổ hàng hóa chung.

CPI tháng 10 cả nước tăng 0,85% - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng nay 24/10, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tiếp tục tăng 0,85%.

Tính chung từ đầu năm, CPI đã tăng 6,02% và còn dư địa khoảng 2% cho 2 tháng cuối năm cho mục tiêu giữ lạm phát ở mức 8% của Chính phủ. Trong khi đó, so với cùng kỳ 2011, mặt bằng giá hiện tại đã cao hơn khoảng 7%.

CPI tháng 10 tăng ở 10/11 nhóm trong Rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,17%- 5,94%; trong đó, tăng cao nhất là nhóm thuốc và y tế, tăng thấp nhất là nhóm đồ uống và thuốc lá, riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%.Mặc dù mức tăng này đã thấp hơn nhiều so với con số hơn 17% của tháng 9 nhưng việc tăng viện phí vẫn tác động lớn tới giá cả, bất chấp chỉ đạo của Chính phủ về việc giãn tiến độ tăng giá dịch vụ.

Cùng với hai nhóm trên, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng đã tăng tới 1,09%, đóng góp đáng kể vào mức tăng CPI chung do giá gas và chất đốt đã tăng 3,7% so với tháng trước khi các doanh nghiệp kinh doanh gas tăng giá bán theo giá gas thế giới. Kể từ ngày 1/10/2012, giá gas bán trong nước đã tăng khoảng 16.000 đồng/bình 12kg, tính bình quân chung trong tháng giá gas đã tăng 4,71% so với tháng trước.

Dư âm của năm học mới, cùng với việc tăng học phí, vẫn sót lại trong tháng này khi chỉ số giá ở nhóm giáo dục vẫn tăng 1,88% (trong đó dịch vụ giáo dục tăng 2,1%). Một nhóm khác cũng có mức tăng tương đối cao là giá nhà ở - vật liệu xây dựng (tăng 1,09%).

Trong tháng, nhóm giao thông đã tăng 0,62% do ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu từ các tháng trước. Trong khi đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống-nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Rổ hàng hóa chung đã có mức tăng 0,29%; trong đó, lương thực tăng 0,37%, còn thực phẩm tăng 0,28% sau bốn tháng liên tục giảm so.

Để kiểm soát lạm phát cả năm 2012 ở mức một con số, các cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao năng lực dự báo để làm tốt hơn công tác điều hành giá cả theo thị trường, có sự quản lý của nhà nước.