“Hai cao, một thấp” không lặp lại? Mặc dù CPI tăng cao trong 3 tháng nay (tháng 8 tăng 0,83%, tháng 9 tăng 1,06%, tháng 10 tăng 0,49%), nhưng tính chung 10 tháng 2013 CPI đã tăng thấp nhất so với của 10 tháng trong 3 năm trước đây. Riêng Hà Nội, một trung tâm kinh tế, tiêu thụ và dịch vụ của cả nước, CPI tháng 10 chỉ tăng 0,57%, bằng với mức của tháng 9 và thấp hơn của cả nước. Tuy nhiên, do việc điều chỉnh giá hàng hóa dịch vụ (y tế, giáo dục, điện, nước, xăng dầu…) theo lộ trình giá thị trường nên đã bị tác động nhiều hơn so với các nơi khác cũng như của cả nước, nên CPI 10 tháng của Hà Nội tăng 6,4%, cao hơn của cả nước.
Người tiêu dùng mua hàng tại Co.op mart Hà Nội. Ảnh: Hùng Huy |
Như vậy, dù xét dưới góc độ nào, thì CPI 10 tháng qua của cả nước cũng thấp hơn so với cùng kỳ trong nhiều năm trước đó. Từ kết quả 10 tháng và các yếu tố tác động trong 2 tháng còn lại, có thể dự đoán CPI cả năm tăng khoảng 7%, thấp hơn chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (8%). Nếu như vậy, năm 2013 có thể sẽ là năm đầu tiên CPI sẽ không lặp lại chu kỳ "hai năm tăng cao, một năm tăng thấp" đã diễn ra trong gần 10 năm qua. Tiếp tục đòi hỏi linh hoạt trong điều hành Diễn biến của CPI trong 10 tháng qua cũng đặt ra một số vấn đề cần quan tâm. Về điều hành, kiềm chế lạm phát cần bám sát mục tiêu và có giải pháp điều hành linh hoạt để tránh có thời gian CPI tăng quá thấp (như từ tháng 3 đến tháng 7), hay tăng quá cao (như từ tháng 8 đến nay). Việc thực hiện lộ trình giá thị trường là đúng hướng và cần thiết, nhưng cần bảo đảm có sự cạnh tranh, công khai minh bạch, có sự giám sát kiểm tra của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, giữa T.Ư, địa phương về liều lượng và thời điểm điều chỉnh… Việc điều hành cũng cần có sự phối hợp trong việc thực hiện mục tiêu kép: vừa kiềm chế lạm phát thấp hơn năm trước, vừa tăng trưởng cao hơn; tránh khi tổng cầu yếu, tồn kho cao, nhưng tăng giá một số hàng hóa, dịch vụ đầu vào cao, sẽ vừa làm tăng chi phí đẩy, tác động đến lạm phát, vừa "đánh" vào tổng cầu vốn đã yếu sẽ càng yếu hơn và sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng. Về nhóm hàng hóa, dịch vụ, giá lương thực năm trước đã giảm sâu (5,66%), năm nay tiếp tục giảm (10 tháng giảm 0,54%), sẽ làm cho người trồng lương thực bị thiệt thòi, trong khi nông, lâm nghiệp, thủy sản đã tăng thấp trong 2 năm liền. Vấn đề đặt ra là nâng tỷ trọng đầu tư cho nông, lâm nghiệp - thủy sản (hiện chỉ chiếm 5,3%, thấp xa so với tỷ trọng 20% trong GDP); tái cơ cấu nông nghiệp để tăng thu nhập cho nông dân… Về các giải pháp kiềm chế lạm phát, cần tăng các giải pháp có tính thị trường, dài hạn, giảm các biện pháp hành chính, ngắn hạn, tránh giật cục… và phải tính đến sự cộng hưởng của các yếu tố đối với lạm phát, đến hiệu ứng phụ, trong đó hiệu ứng phụ lớn nhất, rõ nhất, trực tiếp nhất là làm suy giảm sản xuất kinh doanh… Tuy đạt được kết quả tích cực trong việc kiềm chế lạm phát nhưng chưa thể chủ quan, lơ là bởi CPI được dự đoán sẽ tăng cao vào cuối năm nay và đầu năm sau, do sự cộng hưởng của nhiều yếu tố: Giá lương thực bắt đầu tăng cao, khi lúa mùa ở nhiều địa phương bị sâu bệnh làm cho năng suất, sản lượng giảm; Một số địa phương bị thiệt hại nặng do bị nhiều họa "thiên vũ, lũ giáng, bão dập, triều dâng (làm nước mặn ngấm sâu), thủy điện vỡ"; Giá rau, củ, quả tăng cao do bị thiệt hại trên diện khá rộng. Giá thực phẩm chăn nuôi bước vào thời kỳ tích trữ phục vụ nhu cầu tăng cao vào dịp tổng kết cuối năm, mùa cưới hỏi, Tết cổ truyền, lễ hội; Nhu cầu đầu tư cuối năm thường cao lên... Tỷ giá sau một thời gian tương đối dài tăng thấp, tỷ giá thương mại hàng hóa giảm 1% rất dễ bị điều chỉnh tăng. Điều này không chỉ làm tăng chi phí đẩy, mà còn tác động đến tâm lý kỳ vọng lạm phát. Tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng tăng dồn vào cuối năm để thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng 12% của cả năm, bởi trong 9 tháng qua mức tăng này mới ở 6,8%…