Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

CPI tháng 11 giảm tốc: Vẫn chưa thể yên tâm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với mức tăng 0,47% so với tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của cả nước được đánh giá là hiện tượng ít xảy ra trong nhiều năm qua.

Mức giảm đã được dự báo trước

Các số liệu thống kê cho thấy, sau khi tăng cao vào tháng 9 (với mức tăng 2,2%), tốc độ tăng CPI có xu hướng giảm, còn 0,85% trong tháng 10 và tiếp tục giảm còn 0,47% vào tháng 11. Trước đó, hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. HCM đều công bố CPI tăng thấp, lần lượt ở các mức 0,22% và 0,1%.

Nguyên nhân được xem là có tác động đến đà giảm tốc CPI trong tháng 11 là chỉ số giá nhóm hàng thực phẩm, chiếm quyền số lớn trong rổ hàng hóa, tiếp tục giảm 0,21% kéo theo nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,08% so với tháng 10. Viễn thông là nhóm hàng tiếp theo có chỉ số giá giảm ở mức 0,01%.

 
CPI tháng 11 giảm tốc: Vẫn chưa thể yên tâm - Ảnh 1
Nhóm hàng tiêu dùng giảm giá mạnh đã kéo CPI tháng 11 hạ theo. Trong ảnh: Mua hàng tại Siêu thị Hapro.Ảnh: Thanh Hải

So sánh chi tiết mức tăng của tháng 11 và tháng 10 có thể thấy sự khác biệt làm CPI giảm mạnh phần lớn nằm ở nhóm giáo dục khi chỉ số giá nhóm hàng này tháng 10 tăng 1,88%, trong khi tháng 11 chỉ tăng 0,13%. Bên cạnh đó, theo dõi số liệu CPI cả nước của các tháng gần đây cho thấy, bắt đầu từ tháng 7, nhóm thuốc và dịch vụ y tế là nhân tố quan trọng đẩy chỉ số chung cả nước tăng. Mặc dù thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, một số địa phương đã lùi, giãn tiến độ thực hiện tăng giá dịch vụ y tế sang đầu năm mới nhưng nhóm này vẫn tăng cao nhất, ở mức 5,16% so với tháng trước, trong đó dịch vụ y tế đã tăng tới 6,66%. Đây là nhóm hàng tác động chủ yếu vào việc tăng chỉ số CPI trong tháng 11.

Chỉ số giá vàng giảm 1,98% và chỉ số giá USD giảm 0,11% so với tháng trước (mặt hàng này không nằm trong nhóm các mặt hàng tính chỉ số giá). Như vậy, đúng như dự báo được đưa ra trước đó, với điều kiện thực hiện quyết liệt Nghị quyết của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phối hợp hiệu quả trong công tác điều hành giá, nếu không có đột biến, nhiều khả năng năm 2012, kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 8% .

Còn tiềm ẩn nguy cơ

Mặc dù đưa ra những dự báo khả quan trong việc kiểm soát lạm phát năm nay nhưng có thể thấy CPI tháng 11 này tăng thấp có vấn đề của yếu tố mùa vụ, khi một số nhóm hàng hóa bắt nhịp thời điểm chuyển mùa với sức mua tăng mạnh đã đẩy mạnh tiêu thụ. Vì vậy, tiếp tục kiểm soát lạm phát vẫn là một chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đặt ra từ nay đến cuối năm.
CPI tháng 11 giảm tốc: Vẫn chưa thể yên tâm - Ảnh 2

Chỉ số giá thuốc và dịch vụ y tế là nhân tố quan trọng đẩy chỉ số CPI cả nước tăng cao trong 5 tháng qua.Ảnh: Hải Linh

Về tổng thể, nếu nhìn vào diễn biến thị trường trong thời gian này, có thể cho rằng tác động từ tiền tệ vẫn tạo áp lực lên việc kiềm chế lạm phát. Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10/2012 chỉ đạt mức 3,36%, trong khi huy động lại tăng tới 14%. Kết quả là một dòng tiền đã "trôi" về kênh trái phiếu. Giải ngân vốn đầu tư Nhà nước có tăng trong thời gian gần đây, tuy nhiên, so với các năm trước không xuất hiện lượng vốn cao đột biến. Có thể thấy, diễn biến đầu ra của vốn đầu tư chỉ mang tính mùa vụ giải ngân cuối năm.

Ngoài ra, hơn phân nửa (khoảng 0,3 điểm phần trăm) của mức tăng CPI tháng này tiếp tục bắt nguồn từ dịch vụ y tế. Tính đến tháng 11/2012, nhóm thuốc và dịch vụ y tế đã có tháng thứ 5 liên tiếp "khuynh đảo" diễn biến giá, với mức tăng lớn. Riêng trong tháng 11, CPI nhóm thuốc và dịch vụ y tế vẫn tăng 5,16% so với tháng trước. Nhóm tác động lớn thứ hai đến CPI từ nay đến cuối năm là may mặc, mũ nón, giày dép... Thời tiết chuyển mùa trong tháng là nguyên nhân chính khiến sức mua các mặt hàng thu đông tăng, tác động đến giá cả. Ngoài ra, nếu giá gas tiếp tục tăng cũng sẽ khiến nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng ảnh hưởng tiêu cực đến CPI… Những tác động này rất cần được quan tâm trong các chính sách điều hành kinh tế từ nay đến cuối năm.