Như vậy, CPI theo tháng và theo nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong 11 tháng 2011 cho thấy, với mức tăng cao tới 3,32 vào tháng 4, tốc độ tăng CPI từ tháng 5 bắt đầu giảm (còn 2,21). Và từ các tháng 8 đến tháng 11, tốc độ tăng CPI chỉ là dưới 1% (tháng 10 là 0,36%).
Kết quả khi kiên trì kiềm chế lạm phát
Đóng góp vào mức giảm đó, giá thực phẩm (có quyền số lớn trong rổ hàng hóa tính CPI) liên tục có những tháng giảm mạnh và cũng từ tháng 9 đến tháng 11 này luôn có mức tăng dưới 1%. Nếu như trong tháng 4, tốc độ tăng của giá thực phẩm là 5,61% thì đến tháng 9 là 0,28% và tháng 11 còn 0,26%...
Từ diễn biến trên có thể thấy CPI có xu hướng cao lên từ tháng 1 đến tháng 4, đã chậm lại trong các tháng sau đó, đặc biệt là chậm lại tương đối nhanh từ tháng 8 đến tháng 11. Diễn biến theo thời gian cho thấy, sau khi xác định được mục tiêu (là kiềm chế lạm phát), thì một mặt cần xác định nguyên nhân trực tiếp và giải pháp thứ yếu; mặt khác phải kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu, tránh lơ là; mặt khác nữa phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các đơn vị cơ sở và sự đồng thuận của người dân. Năm nay đã sớm xác định được mục tiêu ưu tiên, Chính phủ sớm có Nghị quyết 11. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân trực tiếp, biểu hiện ra cuối cùng là bội chi ngân sách, là tốc độ tăng dư nợ tín dung và tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán mãi tới tháng 8, tháng 9 mới được khẳng định rõ…
Tình hình đó đã làm cho CPI tăng cao vào tháng 3, tháng 4, tháng 5 là khác với thông lệ trong nhiều năm qua. Khi CPI mới có xu hướng tăng chậm lại thì đã có dấu hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ, hoặc một số ngành, đơn vị lại đề nghị tăng giá, đến nối đã có chuyên gia phải thốt lên "Bơm tiền… để chống lạm phát"; thậm chí có cơ quan còn đề nghị đưa tăng trưởng tín dụng lên 22- 23%!
Chưa thể yên tâm…
Mặc dù CPI tăng chậm lại trong 4 tháng qua, nhưng chưa thể chủ quan, thỏa mãn. Nhiều chuyên gia dự đoán, CPI tháng 12 sẽ tăng cao trở lại, có thể ở mức trên 1% và các tháng sau đó sẽ còn tăng cao hơn. Nếu dự đoán đó là đúng thì cả năm 2011 sẽ vượt quá 18,5%; nếu tính bình quân năm 2011 so với bình quân năm 2010 sẽ còn tăng cao hơn, có thể vượt 19%. Dự đoán đó xuất phát từ nhiều yếu tố. Có yếu tố đầu tư và tiêu dùng cao hơn vào cuối năm và Tết Nguyên đán năm nay đến sớm. Có yếu tố do giá thế giới tăng, nhất là lương thực, xăng dầu… Có yếu tố do giá điện dự kiến tăng đang phải tạm hoãn lại do yêu cầu kiềm chế lạm phát. Có yếu tố do tỷ giá bị sức ép tăng lên, trong khi nhập siêu vẫn còn lớn, làm cho lạm phát ở trong nước bị khuếch đại.
Nếu dựa theo nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Trong 14 nhóm, có một nhóm giảm (bưu chính viễn thông), 4 nhóm tăng cao hơn tốc độ chung. Nhóm thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất và tăng cao nhất, chủ yếu là cao trong 7 tháng đầu năm (bình quân tăng 3,37%/tháng), tăng chậm và giảm trong các tháng từ tháng 8 đến nay, do chăn nuôi tăng, nhu cầu thực phẩm co lại khi mức giá quá cao. Tuy nhiên, từ tháng 12 trở đi cho đến tháng 2, giá thực phẩm sẽ tăng trở lại do nhu cầu sử dụng tăng cao.
Bên cạnh đó, do lúa mùa bị thiệt hại vì thiên ta xảy ra ở cả 3 miền. Khả năng giá lương thực sẽ tiếp tục tăng cao trong các tháng tới, vì nhu cầu nhập khẩu của Inđônêsia, Philippines cao,… vì nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng… Đây là một cảnh báo cần thiết, vì năm nay đã qua mấy lần giá tăng cao (thực phẩm, giáo dục, giao thông,…). Nhóm giao thông cũng được dự báo sẽ tăng vào cuối năm do giá xăng dầu thế giới tăng, nhu cầu đi lại tăng…