Những điều mừng
Đây là niềm vui đối với nhiều người. Trước hết là người tiêu dùng, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo, CPI tăng thấp cũng có nghĩa lãi suất gửi tiết kiệm trong thời gian từ tháng 9/2011 đến nay tương ứng đạt khoảng 10%, có nghĩa là thực dương khoảng 5,8%. Chính vì vậy, 6 tháng đầu năm 2012, sau nhiều lần giảm lãi suất huy động vốn hiện xuống còn 9%/năm (gửi từ 1 năm trở lên có lãi suất 11 - 12%/năm), nhưng tăng trưởng huy động từ người dân vẫn ở mức 10%.
CPI tăng thấp, mang lại niềm tin đối với đồng tiền quốc gia, không tìm đến nơi trú ẩn là vàng và ngoại tệ như trước. Giá vàng tháng 8/2012 so với tháng 9/2011 đã giảm 12,3%. Giá USD tháng 8/2012 so với tháng 12/2011 đã giảm 1%. Đây là một trong những yếu tố góp phần để Ngân hàng Nhà nước mua được hàng chục tỷ USD tăng dự trữ ngoại hối, đưa lượng dự trữ này tương đương với 10 tuần nhập khẩu, khả năng cả năm sẽ đạt 12 tuần nhập khẩu - đạt được ranh giới an toàn theo thông lệ quốc tế.
Đối với các nhà hoạch định chính sách vĩ mô, nhất là đối với Ngân hàng Nhà nước, việc CPI tăng đã tạo điều kiện cho cơ quan này chuyển từ vị thế thụ động, chạy theo đối phó với lạm phát sang vị thế chủ động điều hành lạm phát theo mục tiêu; yên tâm hơn trong việc điều hành các ngân hàng thương mại khi dư địa hạ lãi suất cho vay xuống thấp nữa hoặc cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất của các khoản nợ cũ… để tháo gỡ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Các cơ quan hoạch định chính sách vĩ mô khác cũng có dư địa điều hành các ngành, lĩnh vực hoạt động phụ trách.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 đã tăng 0,63%. Ảnh: Việt Linh
Những nỗi lo
Vòng luẩn quẩn: "tăng trưởng - lạm phát - thắt chặt - suy giảm - nới lỏng - lạm phát…" là điểm làm phát sinh nỗi lo cần được cảnh báo.
Nửa vòng luẩn quẩn đầu đã xuất hiện, đó là suy giảm tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế quý I ở mức thấp nhất so với quý I cùng kỳ của 2 năm trước đó. Mặc dù tốc độ tăng của quý II/2012 đã cao hơn tốc độ tăng của quý I, nhưng tính chung 6 tháng cũng chỉ đạt 4,38%, thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ trong 2 năm trước (2010 tăng 6,18%, 6 tháng 2011 tăng 5,63%). Theo dự đoán, tăng trưởng kinh tế cả năm 2012 nếu đạt 5,4 - 5,7%, thì tăng trưởng của năm 2012 sẽ là "đáy" của 3 năm qua; nếu đạt dưới 5,3% thì tăng trưởng của năm 2012 sẽ là "đáy" của 13 năm qua, thấp hơn tốc độ "đáy" 5,32% của năm 2009, chỉ cao hơn tốc độ "đáy" 4,77% của năm 1999.
Một vấn đề đáng quan tâm là số lượng doanh nghiệp ngừng sản xuất, phá sản lớn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Điều đó không chỉ mất đi một lượng không nhỏ năng lực sản xuất, mà còn mất nguồn thu ngân sách, làm tăng nợ xấu, cản trở lượng vốn ra thị trường. Một vấn đề quan trọng là có một lượng lao động không nhỏ bị thất nghiệp, thiếu việc làm, đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề an sinh xã hội.
Nửa vòng luẩn quẩn sau cũng đã được nhiều chuyên gia cảnh báo. Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, ngăn chặn suy giảm, tăng trưởng hợp lý, rất dễ nôn nóng nới lỏng tiền tệ, tín dụng - tài khoá… Sẽ lại làm cho lạm phát cao quay trở lại, gây ra bất ổn vĩ mô.
Tuy đó chỉ là tác động ngắn hạn, nhưng về mặt tâm lý, đó là sự cộng hưởng cần có giải pháp kịp thời để ổn định.