Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

CPI tháng khởi đầu tăng thấp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 năm nay, tháng cận Tết cổ truyền của dân tộc, tăng 0,69% so với tháng 12 năm 2013. Đây là tốc độ tăng thấp nhất trong 3 năm qua, thấp hơn CPI tháng 1 bình quân cùng kỳ từ 2002 -2013 (tăng 1,2%).

CPI tăng thấp có nguyên nhân tổng cầu yếu

Trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ, có 6 nhóm tăng thấp hơn tốc độ chung (như thiết bị và đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế, bưu chính viễn thông, giáo dục, văn hóa, giải trí và du lịch, hàng hóa và dịch vụ khác). Những nhóm có CPI tăng cao hơn là hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đồ uống và thuốc lá, may mặc, mũ nón giày dép, nhà ở và vật liệu xây dựng, giao thông - những nhóm có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp Tết cổ truyền theo thông lệ trong nhiều năm trước.
Khách hàng mua sắm tại Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall. Ảnh: Đức Giang
Khách hàng mua sắm tại Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall. Ảnh: Đức Giang
CPI tháng 1 tăng thấp có nguyên nhân từ cả bốn yếu tố. Yếu tố quan trọng nhất là tổng cầu vẫn tiếp tục yếu. Thực tế từ vài năm nay, "chơi Tết" đã giảm đi nhiều và "ăn Tết" cũng không có nhu cầu cao như trước, thậm chí không ít người làm ăn xa quê Tết này cũng không về quê ăn Tết. Người nghèo, người thất nghiệp, thiếu việc làm, lương thưởng ít,… tiếp tục "thắt lưng buộc bụng". Đầu tư công theo thông lệ đầu năm thường chờ triển khai kế hoạch, chờ giải ngân, chờ ký hợp đồng; các doanh nghiệp xây dựng cũng đã có bài học kinh nghiệm trong vay, ứng vốn thực hiện để hàng năm, thậm chí mấy năm sau mới được cấp vốn. Một yếu tố quan trọng là chi phí đẩy. Ngoài giá xăng dầu mới tăng vào 18/12, nằm trong khu kỳ tính CPI tháng 1 (từ 16/12/2013 -15/1/2014), thì giá nhập khẩu do tỷ giá VND/USD ổn định nên giá giảm.

Ngân hàng: Tiền ra thấp, tiền trở lại tăng cao

Một yếu tố trực tiếp tác động đến lạm phát là tiền tệ, tín dụng và tài khóa. Về tài khóa, điều bất ngờ cho đến những ngày cuối cùng của năm, tổng thu ngân sách đã vượt dự toán đề ra, kéo một lượng tiền đáng kể từ thị trường vào ngân sách Nhà nước. Về tiền tệ, tín dụng, mặc dù cũng xảy ra một điều bất ngờ ngược lại là tăng trưởng tín dụng đến giờ phút chót đã đạt 12,1% - đạt được định hướng cả năm đề ra. Tuy nhiên, tiền từ lưu thông vẫn chảy vào ngân hàng mạnh hơn, khi tốc độ tăng huy động tiền gửi cao gấp rưỡi tốc độ tăng dư nợ tín dụng. Hơn nữa, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó cho xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ khá thấp, riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn mang dấu âm. Phải chăng có một lượng tiền không nhỏ đã vào thị trường chứng khoán, góp phần đưa chỉ số chứng khoán tăng tới trên dưới 5% trong tháng khởi đầu. Cũng đã có dư luận: Đồng tiền vẫn còn chạy lòng vòng trong hệ thống giữa các ngân hàng thương mại do tình trạng sở hữu chéo và các công ty con sân sau của các đại gia đứng sau các ngân hàng đang tranh thủ cơ hội để thâu tóm khi giá doanh nghiệp, tài sản xuống thấp. Một yếu tố khác, tuy không phải là yếu tố kinh tế nhưng nhiều khi còn quan trọng hơn cả yếu tố kinh tế, đó là yếu tố tâm lý. Bên cạnh tâm lý "thắt lưng buộc bụng", "tích cốc phòng cơ" là yếu tố tâm lý "co cụm, thủ thế" của các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp. Ngân hàng thương mại sợ rủi ro làm tăng nợ xấu; doanh nghiệp ngại vay khi sản phẩm tiêu thụ chậm.

CPI tháng 1 tuy tăng thấp so với mọi năm, nhưng chưa thể chủ quan lơ là, bởi để thực hiện chỉ tiêu 7% của năm 2014 là không dễ dàng. Tăng trưởng kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, làm tăng nhu cầu đầu tư, tiêu dùng, kéo mặt bằng giá thế giới lên theo; trong khi các nhà đầu cơ thường tạo sóng để trục lợi, làm cho giá thị trường là đúng hướng và cần thiết, nhưng trong điều kiện doanh nghiệp thường lạm dụng độc quyền Nhà nước, thường thiếu minh bạch công khai, thường theo "giá ngoại" mà quên "lương nội", nếu thiếu sự kiểm tra giám sát và phối hợp của cơ quan Nhà nước…, thì gây ra sự phản ứng, nghi ngờ của dư luận. Yếu tố cơ bản tiềm ẩn và nguyên nhân sâu xa của lạm phát là hiệu quả đầu tư và năng suất lao động còn thấp đã chậm được cải thiện.