Cứ 10 học sinh thì 3 em bị bắt nạt trực tuyến

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/1, tại hội thảo khoa học “Chương trình phòng ngừa và can thiệp bắt nạt trực tuyến dựa vào trường học” do trường Đại học (ĐH) Giáo dục tổ chức, PGS.TS Trần Thành Nam thông tin: Có 30,6% học sinh (HS) bị bắt nạt trực tuyến bởi ít nhất một hành vi ở mức 2 lần trở lên.

Kết quả nghiên cứu thực trạng bắt nạt trực tuyến ở học sinh THCS và THPT được trường ĐH Giáo dục thực hiện tại 3 tỉnh (Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa) với 864 HS cho thấy, có 30,6% HS bị bắt nạt trực tuyến bởi ít nhất 1 hành vi ở mức 2 lần trở lên; 26,7% HS có hành vi bắt nạt người khác trực tuyến bởi ít nhất một hành vi ở mức hai lần trở lên.
GS Bahr Weiss cho rằng, nhà trường ngăn chặn hành vi bắt nạt trực tuyến hiệu quả nhất.
Các hành vi HS bị bắt nạt trực tuyến là: Gửi các bình luận đe dọa, gây tổn thương thông qua email hoặc tin nhắn; gửi những tin nhắn đe dọa, gây tổn thương; gây hiểu lầm bằng cách giả vờ là người giới tính khác; chế nhạo các bình luận trong nhóm, diễn đàn; chế nhạo người khác trong các nhóm diễn đàn…
“Một số HS càng đi bắt nạt trực tuyến thì có xu hướng càng bị bắt nạt và ngược lại. Học sinh THPT có mức độ đi và bị bắt nạt trực tuyến nhiều hơn HS THCS. HS càng dành nhiều thời gian để sử dụng internet thì càng đi/bị bắt nạt trực tuyến càng nhiều. HS bị bắt nạt nhiều nhất là trên mạng xã hội (Facebook, Twitter), tiếp đến là các ứng dụng nhắn tin (Zalo, Viber); các trang chia sẻ hình ảnh, video clip (Youtube, Instagram,…) và qua thư điện tử (gmail)” - PGS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra những nguyên nhân HS đi bắt nạt trực tuyến. Chẳng hạn như, bắt nạt trực tuyến trên mạng sẽ nhiều người biết hơn để gây áp lực với bạn đó. HS muốn người khác chú ý đến mình; làm như vậy để trả thù lại vì bạn ấy đã làm như thế với mình. Đáng chú ý, môt nguyên nhân HS bắt nạt trực tuyến người khác nhiều nhất, được nêu ra đó là “chỉ là trêu đùa cho vui”.
Nghiên cứu cũng cho thấy, cứ 10 HS thì có khoảng 3 - 4 em tham gia vào bắt nạt trực tuyến với các vai trò khác nhau như thủ phạm, nạn nhân, vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. HS nam đi bắt nạt nhiều hơn nữ, nữ vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân nhiều hơn nam. HS càng dành nhiều thời gian sử dụng internet, càng đi/bị bắt nạt trực tuyến càng nhiều.
Điều đáng lưu ý là học sinh bị bắt nạt trực tuyến có nhiều cách ứng phó nhưng rất ít em kể lại với bố mẹ, thầy cô giáo để tìm cách ngăn chặn.
Đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng HS bị bắt nạt trực tuyến được đưa ra. Tuy nhiên, theo GS.TS Bahr Weiss đến từ Mỹ, việc can thiệp hiệu quả và quan trọng nhất là trong nhà trường. Bởi bắt nạt trực tuyến có thể xảy ra trong nhà trường nhiều hơn vì HS sử dụng máy tính và mạng internet. Nhà trường cũng là môi trường giáo dục, tập hợp được HS và có nguồn lực lớn hơn để can thiệp việc bắt nạt trực tuyến.
“Có nhiều cách để can thiệp bắt nạt trực tuyến, như dạy cho cá nhân cách ứng phó, phòng ngừa. Giáo viên chủ nhiệm có thể làm việc với cả lớp để có cách thay đổi ứng xử hành vi. Cũng có thể thay đổi không khí toàn trường bằng cách không chấp nhận việc HS bị bắt nạt” - GS Bahr Weiss nhấn mạnh.