Thái tử Ả Rập Mohammed bin Salman và Tổng thống Nga Vladimir Putin thể hiện mối quan hệ thân thiết tại Hội nghị thượng đỉnh G20 hôm 30/11. |
Những "kẻ ngoài cuộc"
Qatar "gây sốc" cho thế giới dầu mỏ hôm 3/14 bằng việc công bố kế hoạch rời khỏi Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sau 57 năm làm thành viên. Bộ trưởng Năng lượng nước này đã đề cập đến vấn đề "kỹ thuật" như một lời giải thích cho quyết định bất ngờ, tuy nhiên câu chuyện "xã giao" đó chẳng kéo dài được bao lâu.
Chỉ vài giờ sau, nhiều lãnh đạo cấp cao đến từ gia đình cầm quyền đất nước đã sử dụng Twitter để công kích trực tiếp nhóm gồm nhiều các ông lớn dầu mỏ. "Việc rút Qatar khỏi OPEC là một quyết định khôn ngoan bởi tổ chức này là vô dụng với chúng tôi", cựu Thủ tướng Qatar Hamad Al Thani viết, " Tổ chức đó (OPEC) chỉ được sử dụng nhằm ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích quốc gia của chúng tôi".
Rõ ràng, mục tiêu thực sự của tuyên bố mang tính chất đại diện quốc gia này chính là Ả Rập Saudi - nhà sản xuất lớn nhất của OPEC. Trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là với chính sách đối ngoại mạnh mẽ của Saudi dưới quyền Thái tử Mohammed bin Salman, Ả Rập đang muốn đẩy Qatar khỏi mọi mặt trận.
Chính quyết định năm 2017 của vị Thái tử kế ngôi nhằm cô lập "gã hàng xóm vùng Vịnh" về mặt chính trị và tài chính đã đồng nghĩa với việc vị trí của Qatar tại OPEC đã lung lay dữ dội. Có thể các quốc gia thành viên chưa hẳn sẽ nhiệt tình tuân theo Saudi, nhưng Riyadh đã cho thấy một nước cờ mạnh mẽ khi hướng đến các nước đồng minh OPEC - phần nào thể hiện qua mối quan hệ dầu mỏ đang trỗi dậy giữa Nga và Ả Rập.
Khi Qatar đang hoàn tất kế hoạch ra đi thì tại Moscow, các quan chức Nga và Ả Rập Saudi đã gặp nhau nhằm thúc đẩy một thỏa thuận song phương, được xem như là một sự mở rộng thỏa thuận OPEC + đã được thống nhất hồi năm 2016. Hiệp định này vẫn hứa hẹn sẽ tập trung vào thị trường dầu mỏ, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của 2 trong số các nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, vô tình khiến nhiều bên cảm thấy mình như là "kẻ ngoài cuộc".
Nhận xét về cú bắt tay giữa Riyadh và Moscow, đại diện Iran tại OPEC Hossein Kazempour cho biết: "Có một cảm giác thất vọng, đặc biệt là giữa các nhà sản xuất nhỏ".
Sức mạnh từ hai ông lớn
Mặc dù không phải là một phần của OPEC, Nga đã tiếp cận Ả Rập Saudi với vị thế là một đối tác có sức mạnh ngang ngửa nhau trên thị trường dầu mỏ và lập trường chính trị tương đồng, để đưa ra những lời hứa cắt giảm sản lượng đáng chú ý. Hôm 1/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã mở đường cho mối quan hệ này sau khi thảo luận riêng với Thái tử Mohammed tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina.
"Hiện chưa có quyết định cuối cùng về sản lượng xuất khẩu nhưng cùng với Ả Rập Saudi, chúng tôi sẽ làm điều đó", ông Putin tuyên bố với báo giới, "và bất cứ con số nào được đưa ra từ quyết định chung này, chúng tôi đều cam kết sẽ theo dõi tình hình thị trường và phản ứng nhanh chóng".
Giá dầu ngay lập tức có câu trả lời khi đạt mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6, điển hình là tăng 62,60 USD/một thùng tại London vào sáng đầu tuần nay. Có thể sự hợp tác giữa 2 ông lớn dầu mỏ đang khiến nhiều quốc gia xuất khẩu dầu khác khó chịu, nhưng thị trường thế giới lại như được "xoa dịu" nhờ đó.
Các nhà giao dịch cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi một thỏa thuận mới được đưa ra giữa nguy cơ đối với lượng cung toàn cầu, đặc biệt sau loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran dự báo sẽ tạo ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ đáng kể.
Hiện vẫn còn rất nhiều việc phải làm giữa Nga và Ả Rập, khi các quan chức năng lượng của cả hai bên vẫn chưa thống nhất được làm thế nào để chia sẻ gánh nặng cắt giảm. Hai nước đều đang sản xuất gần mức kỷ lục là trên 11 triệu thùng/ngày, tuy nhiên Moscow đã đề nghị giảm sản lượng xuống không quá 150.000 thùng, trong khi Saudi cho rằng Nga nên chịu một phần gánh nặng lớn hơn.
Sẽ chỉ còn chưa đầy 2 ngày nữa cho đến khi Nga và các nhà sản xuất dầu thô ngoài OPEC (nhóm OPEC+) bắt đầu cuộc họp tại Vienna với OPEC. Bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ phụ thuộc vào quyết định của Tổng thống Putin và Thái tử Mohammed. Và một thực tế cũng đã được các chuyên gia công nhận, rằng thị trường dầu mỏ thế giới sẽ biến động bởi các quyết định của hai nhà lãnh đạo này hơn là vì sự ra đi của Qatar.