Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cũ nhiều, mới ít

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những gì được Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trình bày trước Quốc hội về chiến lược mới, đúng hơn là đối sách mới của Mỹ, đối với CHDCND Triều Tiên khiến các nghị sĩ vừa hài lòng lại vừa lo ngại.

Hài lòng vì nội dung đối sách cho thấy đã được suy tính kỹ càng, cân nhắc lợi hại cẩn thận, thực tế chứ không để bị chế ngự bởi tình cảm. Nhưng các nghị sĩ cũng không khỏi lo ngại vì chúng rất mâu thuẫn với những gì đã được Tổng thống Donald Trump công khai thể hiện sau khi CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6.

Theo hai quan chức cao cấp của chính quyền Washington, thì đối sách của Mỹ là sự kết hợp giữa áp lực và ngoại giao, tức là tiếp tục gia tăng áp lực chính trị cũng như kinh tế, quân sự cũng như thương mại đối với CHDCND Triều Tiên, đồng thời đẩy mạnh các hình thức và cấp độ hoạt động ngoại giao ở khu vực Đông Bắc Á cũng như trên thế giới để buộc CHDCND Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa. Đối sách ấy bao hàm những chủ định như tăng cường hơn nữa hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật Bản, gia tăng những hoạt động quân sự chung giữa Mỹ và các đối tác này ở khu vực cũng như siết chặt thêm những biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên. Trong Liên Hợp quốc, Mỹ sẽ đưa ra dự thảo nghị quyết về cấm cung ứng dầu lửa cho CHDCND Triều Tiên để Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc thông qua. Còn ông Trump lại cho rằng, đối thoại với Triều Tiên không có ích gì, nên sẽ tiếp tục dùng việc tấn công quân sự hay lại triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật Bản để răn đe và doạ Bình Nhưỡng. Ông Trump cũng doạ sẽ trừng phạt tất cả những đối tác duy trì quan hệ trao đổi thương mại với CHDCND Triều Tiên.

Qua đó có thể thấy đối sách của Washington không khác trước nhiều, chủ yếu vẫn là những gì Mỹ đã theo đuổi từ trước tới nay. Cái mới trong đó lại gần như không khả thi cả về vũ khí hạt nhân lẫn cấm vận dầu lửa và trừng phạt mọi đối tác có quan hệ hợp tác kinh tế với CHDCND Triều Tiên. Chính phủ Nga đã tuyên bố không chấp nhận cấm vận dầu lửa với CHDCND Triều Tiên. Xem ra, Mỹ vẫn bế tắc đối sách đối phó với Bình Nhưỡng nên mới chỉ được như thế.