Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cú sốc V.Ninh Bình và đề án cá độ hợp pháp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc nhóm cầu thủ V.Ninh Bình bán độ tại AFC Cup khiến đề án cá độ bóng đá hợp pháp đang bị gắn rất nhiều câu hỏi.

Hiện tại các nhà cái lớn nhất thế giới đều nằm ở châu Á. Điều này bắt nguồn từ chính bản tính của người châu Á. Nếu như ở châu Âu, những người cá độ dẫn tới việc mất nhà, mất xe đã là chuyện quá kinh khủng nhưng ở châu Á, người ta sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống của mình, của gia đình để chạy theo vận đỏ đen.

Tại Việt Nam, nạn cờ bạc, cá độ bóng đá cũng lan tràn. Để chứng minh vấn đề này chỉ cần lên google gõ “cá độ bóng đá”, ngay lập tức có tới 2,4 triệu kết quả được tìm thấy. Tất cả các “nhà cái” này đều ở nước ngoài song những hướng dẫn bằng tiếng Việt thì quá cụ thể để con bạc dễ dàng tiếp cận.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch CLB SLNA cho rằng hiện tại giới trí thức, sinh viên cũng lao vào cờ bạc, cá độ bóng đá rất nhiều. Một bộ phận cầu thủ không nhỏ cũng có máu đỏ đen và thích cá độ. Chính từ điều này đã khiến những trận đấu bóng đá tại Việt Nam thi thoảng lại dấy lên mùi nghi vấn.

 
Bầu Trường và lãnh đạo đội bóng đá V.Ninh Bình quyết tâm làm sạch tiêu cực ở đội bóng của mình. (Ảnh: M.Hoàng).
Bầu Trường và lãnh đạo đội bóng đá V.Ninh Bình quyết tâm làm sạch tiêu cực ở đội bóng của mình. (Ảnh: M.Hoàng).
Nên hiện thực hóa đề án cá độ hợp pháp?

Vụ việc tiêu cực của một nhóm cầu thủ V.Ninh Bình mới đây không chỉ là cú sốc lớn đối với người hâm mộ cả nước, mà còn là cú sốc đối với những ai đang ủng hộ đề án “cá cược bóng đá”. Đáng nói hơn đây không phải là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam rơi vào tình trạng này.

Năm 2005, tại SEA Games 23, một số cầu thủ của đội U23 Việt Nam đã tham gia bán độ và đã có người phải ngồi tù.

Trong bài phát biểu tại đại hội VII Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã đưa ra một số giải pháp để phát triển bóng đá trong nước trong đó có đề cập tới vấn đề hợp pháp hóa cá cược bóng đá.

Theo người đứng đầu cơ quan cao nhất về bóng đá tại Việt Nam thì  hàng năm, tiền cá cược bóng đá bất hợp pháp tại nước ta bị "trôi" vào túi các nhà cái ở nước ngoài lên đến 1,5 – 2 tỷ USD.

Đây là giấc mơ mà bản thân ông Dũng đã theo đuổi từ rất lâu, khi ông chính là một trong những người đi tiên phong. Tuy nhiên, kể từ năm 2000 cho tới nay đề án vẫn chưa thể thực hiện. Và nay, cú sốc bán độ của các cầu thủ V.Ninh Bình nổ ra, chắc chắn đề án sẽ bị gắn nhiều câu hỏi.

Không dễ để kiểm soát

Hiện tại, cá cược bóng đá vẫn là bất hợp pháp tại Việt Nam nhưng một số cầu thủ vẫn tham gia “làm độ”. Vậy, nếu đề án cá độ được thông qua thì việc phát hiện tiêu cực còn khó hơn nhiều.

Italia, một quốc gia mà nạn bán độ diễn ra rất nhức nhối. Người ta đã đưa ra các luật làm hạn chế tối thiểu tiêu cực. Đó là các cầu thủ chuyên nghiệp đều phải khai báo tài khoản và các khoản thu nhập. Các cầu thủ có quyền chơi cá độ nhưng không phải trận đấu mà mình tham dự và các trận đấu có liên quan tới CLB của mình.

Tuy nhiên, ở Việt Nam việc làm này vẫn chưa thể làm được, vì thế khi chưa thể kiểm soát được thông tin liên quan đến giới cầu thủ, lấy gì đảm bảo rằng sẽ không còn xảy ra những trò dàn xếp tỷ số có hệ thống như nghi án rúng động liên quan đến V.Ninh Bình?

Chống tiêu cực phải từ chính CLB

Theo Nhà báo Vũ Công Lập, việc chống tiêu cực của bóng đá Việt Nam đang đi ngược lại so với thực tế.

Những nhà quản lý bóng đá tại Việt Nam chống tiêu cực từ cấp cao xuống cấp thấp.

“Khi một cầu thủ mắc sai lầm, đó có thể là lỗi kỹ thuật hoặc tiêu cực. Tuy nhiên chỉ có những người trong CLB mà cụ thể là HLV mới biết rõ nhất. Những người quản lý có xem lại băng ghi hình bao nhiêu lần đi chăng nữa cũng không thể phát hiện được. Hơn nữa, về nguyên lý, việc tiêu cực trước hết là gây hại cho CLB đó nên muốn chống tiêu cực phải chính từ CLB.” – ông Lập lý giải.

Việc phát hiện vụ việc nhóm cầu thủ V.Ninh Bình bán độ vừa qua cũng xuất phát từ chính nội bộ đội bóng.