Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cụ thể hóa sự gần gũi giữa thầy và trò

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Cuộc cách mạng" về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đang "sục sôi" ở nhiều trường học, với mục tiêu lớn nhất là đổi mới phương pháp dạy học (PPDH).

Nhiều cuộc bàn tròn cũng được mở ra để bàn vấn đề này, đa số các ý kiến cho rằng, đổi mới PPDH phải bắt đầu từ tạo sinh khí trong dạy - học, cụ thể hóa sự gần gũi giữa giáo viên và học sinh (HS)...

Không bỏ rơi học sinh trong lớp

Đây là quan điểm về đổi mới PPDH được đưa ra bàn luận tại trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) nhằm đi đến mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học. Cô Tạ Thị Ngọc Tú - giáo viên bộ môn Lịch sử cho rằng, giáo viên là yếu tố quyết định hàng đầu, là người trực tiếp tạo ra "luồng gió" mạnh trong đổi mới PPDH. "Trước hết, mỗi giáo viên phải có nhu cầu thay đổi, biết "đoạn tuyệt" với cách dạy lạc hậu. Ngoài ra, để HS chia sẻ những điều mình suy nghĩ, không nên áp đặt mà cần tạo không khí thoải mái, sôi động trong giờ học…" - cô Tú chia sẻ.

Cô Dương Hồng Hạnh - giáo viên Tin học, trường THPT Kim Liên cũng cho rằng: Thực tế, có HS không giỏi môn lập trình, nhưng rất giỏi sử dụng các phần mềm công cụ, có HS lười ghi chép nhưng lại tích cực tìm thông tin bài học trên internet… Hình thức thuyết trình giúp HS phát huy được tối đa sở trường của mình.

 
Giờ học toán của cô và trò trường Tiểu học Uy Nỗ, Đông Anh.                Ảnh: Hải Linh
Giờ học toán của cô và trò trường Tiểu học Uy Nỗ, Đông Anh. Ảnh: Hải Linh

Không ít giáo viên đồng tình với quan điểm: "Đổi mới PPDH là không bỏ rơi HS nào trong lớp" và để thực hiện việc đó, trước tiên thầy phải yêu nghề, yêu trò và tâm huyết với nghề. Yêu nghề, người thầy sẽ luôn luôn tự học, tự nâng cao chuyên môn, trăn trở để có những bài giảng hay. Say nghề, người thầy sẽ vượt qua những hạn chế của bản thân, của hoàn cảnh khách quan để làm tốt công việc của mình.

Bắt đầu từ tâm huyết

Thầy Hoàng Trung Thuấn - giáo viên môn Vật Lý, trường THPT Phan Huy Chú, đưa ra giải pháp là soạn bài theo hướng ứng dụng nhiều hơn, đưa thực tiễn vào bài học: "Lượng kiến thức khó, tôi chỉ mang tính thông báo để HS có thể hình dung đó là cơ sở khoa học để áp dụng, hướng dẫn các em tìm hiểu kiến thức môn học. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng dạy học là nghệ thuật truyền đạt và chia sẻ kiến thức mà người giáo viên như một nghệ sĩ có sứ mệnh chạm vào những cảm xúc, những nhu cầu muốn học hỏi của trò". Là giáo viên dạy môn Hóa học, cô Trần Thị Thanh Thủy (trường THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa) nhấn mạnh: Cần cho HS thấy được sự cần thiết của môn học, thấy được tính 2 mặt của một vấn đề để có cách ứng xử phù hợp trong cuộc sống. Cái "tôi" của một bộ phận HS rất lớn, nên trong tiết dạy giáo viên cần tạo cơ hội cho HS học kém được tham gia xây dựng bài, để HS thấy được vai trò của mình với tập thể, từ đó các em sẽ cố gắng hơn.

Như nhận định của cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú, đổi mới PPDH là một yêu cầu bao trùm với rất nhiều công việc, có thể đổi mới từ nhà quản lý, từ người học… Làm sao để mỗi tiết học không chỉ mình giáo viên độc thoại, không nhìn thấy cảnh trò nói chuyện riêng, hay ngủ gục trên bàn. Làm sao để mỗi tiết học nhìn thấy từng gương mặt trò bừng sáng, hào hứng học tập, giúp học trò làm chủ kiến thức, phục vụ cuộc sống sau này.