Theo nhận xét của bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Thương mại ATP (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), chất vấn của các tân đại biểu ở nhiều vấn đề khác nhau, được xã hội hội quan tâm như an ninh - đối ngoại; tái cấu trúc nền kinh tế; Luật Biểu tình; chủ trương chính thức của Chính phủ về kinh doanh vàng và quyền kinh doanh của dân... "Tôi hài lòng với phần giải trình của Thủ tướng nhưng cũng mong rằng Thủ tướng và các thành viên Chính phủ tiếp tục theo sát tình hình, điều hành linh hoạt sát thực tế, đưa nền kinh tế vượt qua những thách thức, khó khăn, nhất là khi lãi suất chưa giảm nhiều, nợ xấu tăng, nhu cầu ngoại tệ và sức ép tỷ giá lớn" - bà Hương kiến nghị. Trước đó, phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng được cử tri đánh giá cao. Bà Trần Thị Thu Trang - Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm (AgriBank) cho rằng Thống đốc đã thẳng thắn giải trình nhiều vấn đề, đặc biệt là việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. "Đây là điều tất yếu để có hệ thống ngân hàng thương mại quản trị tốt, hoạt động hiệu quả, minh bạch, lành mạnh; phòng tránh rủi ro, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Việc sắp xếp lại hệ thống này cũng là con đường tiến tới mục tiêu nâng tiềm lực tài chính; loại bỏ những ngân hàng yếu kém kéo dài, và xa hơn, có một hệ thống ngân hàng đủ sức cạnh tranh trong và ngoài nước" - bà Trang bày tỏ. Theo dõi phiên trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ tại Kỳ họp Quốc hội diễn ra sáng 25/11, luật sư Nguyễn Văn Cường (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), Giám đốc Công ty luật Cường và Cộng sự đồng tình và đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ. Theo luật sư Cường, Thủ tướng đã trả lời chất vấn rất mạch lạc, cầu thị, lắng nghe và trọng tâm vào các chất vấn của đại biểu Quốc hội, không né tránh. Trong nhiều vấn đề mà Thủ tướng trả lời nêu lên, luật sư Cường tâm đắc với trả lời của Thủ tướng về vấn đề chủ quyền biển Đông và Dự án Luật Biểu tình. Thủ tướng đã nói đúng, nói trúng lòng dân về chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng và bất khả xâm phạm của dân tộc. Thủ tướng cũng đã nói rõ quan điểm giải quyết tranh chấp của Việt Nam là đàm phán hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế về biển. Trong tình hình hiện nay, đây là giải pháp hàng đầu, có tính lâu dài mà các nước liên quan cần quán triệt và thực hiện. Các bên cũng cần giữ nguyên hiện trạng, tránh gây thêm phức tạp, thông qua đàm phán hòa bình để giải quyết vấn đề, không dùng bạo lực gây mất ổn định an ninh khu vực. Luật sư Nguyễn Văn Cường đánh giá cao về quan điểm xây dựng Luật Biểu tình của Thủ tướng. Thủ tướng đã “bắt mạch” nhu cầu bức thiết hiện nay của sự vận động xã hội. Đó là cần luật hóa quyền tự do của công dân trong đó có quyền hội họp, biểu tình trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp. Việc tụ tập đông người của đồng bào để bày tỏ quan điểm của mình lên chính quyền đã đặt ra nhu cầu bức thiết phải có Luật Biểu tình. Nếu sớm có luật này thì sẽ đáp ứng được nhu cầu bày tỏ quan điểm của người dân dưới hình thức tụ họp, lập hội mà Hiến pháp đã quy định cũng như để thuận lợi hơn trong công tác quản lý của Nhà nước. Đồng tình với quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này, luật sư Cường cho rằng Luật Biểu tình cần được xây dựng nhanh và triển khai vào thực tế. "Thẳng thắn, dám nhận trách nhiệm về những yếu kém trong kiểm tra, thanh tra, giám sát để có sự điều hành quản lý tiền tệ tích cực hơn nữa trong thời gian tới của ngành ngân hàng"... là những ghi nhận của cử tri Quảng Ninh đối với phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Nhiều cử tri, đặc biệt là các doanh nghiệp Quảng Ninh đồng tình với việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước áp dụng việc trần lãi suất huy động khiến cho lãi suất cho vay của các ngân hàng hạ nhiệt, tạo hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Cẩm Phả (Quảng Ninh) cho biết khi đã áp dụng trần lãi suất huy động 14%/năm thì các ngân hàng chỉ nên cho vay với lãi suất 16%/năm là hợp lý trong giai đoạn nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, vì như vậy các doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn hơn và cũng góp phần làm giảm lạm phát. Ông Bình nói lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại thực tế đang ở mức 17-19%, khoản chênh lệch lãi suất ngân hàng có được là từ 3 đến 5% là quá cao, là bất bình đẳng. Sự bất hợp lý ở chỗ việc hoạt động kinh doanh của ngân hàng hoàn toàn dựa vào nguồn vốn của khách hàng, nhưng lại có mức lợi nhuận lớn hơn so với các doanh nghiệp vay vốn để tạo ra sản phẩm, hàng hóa cho xã hội và tạo việc làm phục vụ an sinh xã hội. Nếu nhiều ngân hàng duy trì lãi suất cho vay ở mức 17-19% (phổ biến là 18%) kéo dài chừng 6 tháng nữa thì sẽ làm gia tăng số doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, buộc phải ngừng hoạt động hoặc phá sản. Bà Chu Thị Nương, Phó giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ninh (BIDV Quảng Ninh) chia sẻ: hạ lãi suất cho vay thì lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm, tuy nhiên, BIDV Quảng Ninh xác định đó là sự chia sẻ lợi nhuận giữa khách hàng và ngân hàng. Sáng 25/11, qua theo dõi phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII, cử tri Y Hòa, khối 1, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) rất hoan nghênh tinh thần trách nhiệm cao, dám nhìn thẳng vào thực trạng hiện nay để Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đề xuất các giải pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, góp phần vào bảo đảm giá trị đồng tiền, bình ổn thị trường tiền tệ, yên tâm cho khách hàng gửi tiền tại các ngân hàng... Cử tri Y Hòa cũng mong muốn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để đồng bào nghèo, cận nghèo cả nước nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk nói riêng được dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay của các ngân hàng, với lãi suất hợp lý để về đầu tư phát triển sản xuất từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Trước đó, cử tri Y Trinh Niê ở buôn Mấp, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’Gar) cũng rất hài lòng với với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát về việc trả lời thảng thắn, đầy đủ các câu hỏi mà các đại biểu Quốc hội đã chất vấn. Tuy nhiên, điều mà cử tri Y Trinh Niê cũng như nhiều cử tri ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng là tình hình hiện nay việc quản lý, bảo vệ rừng còn quá lỏng lẻo, tình trạng phá rừng bừa bãi, trái pháp luật diễn ra ngày càng nhiều vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Việc giao rừng, khoán quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện các chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, chưa kịp thời, chủ yếu là giao rừng nghèo kiệt, không sinh lợi, không tăng thêm thu nhập nên không thu hút được bà con nhận rừng, quản lý bảo vệ rừng. Cử tri Y Trinh Niê cũng kiến nghị Bộ trưởng cũng như Chính phủ sớm lập lại kỷ cương, trật tự trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ thương hiệu nông sản hàng hoá không để bị mất, bị lợi dụng như thương hiệu càphê Buôn Ma Thuột gây thiệt hại cho người sản xuất, cho địa phương, cho quốc gia.../.