Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cửa mở vẫn ít khách vào

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 15/9, quy định cho phép thành lập công ty chứng khoán (CTCK) 100% vốn ngoại tại TTCK Việt Nam có hiệu lực. Nhưng nhìn vào thực trạng có thể thấy, dù cửa đã thông, cũng rất ít cơ hội cho CTCK 100% vốn ngoại.

Cái khó không phải đến từ những rào cản pháp lý mà khó khi còn ít cơ hội phát triển ở một thị trường đã quá chật hẹp.
 
Theo thống kê, trong số 105 CTCK đang được cấp phép hoạt động, đã có 46 công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Những CTCK đình đám trên thị trường hiện nay như SSI, HSC đều đã "kín" nhà đầu tư nước ngoài (tức tỷ lệ sở hữu tối đa 49%), một số CTCK niêm yết có vốn ngoại sau khi lên sàn, cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua bán, tuy tỷ lệ không nhiều. Những CTCK chưa niêm yết nhưng hoạt động tốt như FPTS đã thu hút được vốn ngoài qua con đường hợp tác chiến lược. Vốn ngoại chảy vào các CTCK qua nhiều phương thức, trong đó không ít trường hợp bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và có thặng dư lớn như FPTS (thặng dư khoảng 200 tỷ đồng)… Điều đó cho thấy, sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài trong CTCK Việt Nam khá đa dạng và phong phú.

Cửa mở vẫn ít khách vào - Ảnh 1

Các nhà đầu tư theo dõi biến động của cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Trần Việt

Tuy nhiên, sau khi có vốn nước ngoài, hoạt động của các doanh nghiệp không có sự biến động đáng kể. Những CTCK trong top 10, vị thế vẫn là các ông chủ Việt Nam và vận hành theo văn hóa, phương cách cũ nên các đối tác chủ yếu dừng ở đầu tư tài chính. Một số CTCK có ông chủ ngoại nắm quyền kiểm soát và chi phối như chứng khoán Phú Hưng (Đài Loan), chứng khoán Golden Bridge (Hàn Quốc) lại không có mấy tiến bộ, thậm chí Golden Bridge còn bết bát hơn khi mới đây bị Trung tâm Lưu ký xem xét lại tư cách thành viên, phải bồi thường vài tỷ đồng do thiếu tiền thanh toán lệnh mua chứng khoán.

Trên thực tế, tham gia khai thác TTCK Việt Nam đứng từ góc độ thành lập CTCK 100% vốn nước ngoài không dễ.

Về mặt pháp lý, Nghị định 58 tuy đã ra đời nhưng các văn bản hướng dẫn điều kiện để hình thành CTCK 100% vốn ngoại lại chưa có. Trước mắt, Bộ Tài chính, UBCK cần nghiên cứu, xem xét phương án kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 55/2009/QĐ-TTg về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam. Theo quy định tại Quyết định 55, tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài được tham gia thành lập CTCK tại Việt Nam. Tỷ lệ tham gia góp vốn của bên nước ngoài tối đa là 49% vốn điều lệ của CTCK. Do vậy, để mở đường cho hình thành CTCK 100% vốn ngoại tại TTCK Việt Nam, nội dung này phải được điều chỉnh thống nhất với các quy định tại Nghị định 58.

Cửa mở vẫn ít khách vào - Ảnh 2
Giao dịch tại Công ty Chứng khoán ACBS.Ảnh: Việt Linh

Về mặt lợi ích kinh tế, tổng giám đốc một CTCK có vốn nước ngoài cho biết: Hiện, việc điều hành hoạt động có hiệu quả CTCK trong thời điểm này không dễ. TTCK bị ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố tâm lý và đầu tư theo phong trào, do vậy không am hiểu văn hóa và tâm lý của NĐT, không dễ để khai thác khách hàng tốt.

Mặc dù CTCK 100% vốn ngoại có lợi thế thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhưng hiện nay, NĐT nước ngoài đang khó khăn, trong khi họ lại có nhiều cơ hội lựa chọn nên việc thu hút đầu tư không dễ. Đó là chưa kể các CTCK top 10 đã khẳng định được thương hiệu và có bộ máy khai thác khối ngoại rất tốt.Mặt khác, bản thân một số CTCK Việt Nam dù có lượng vốn lớn của đối tác chiến lược nước ngoài đổ vào nhưng cũng chưa sử dụng hiệu quả đồng vốn đó bởi tính thanh khoản của thị trường chưa được cải thiện. Diễn biến thị trường quá ảm đạm khiến CTCK chỉ dám đầu tư nhỏ giọt.

Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng, nguyên nhân khiến mô hình CTCK 100% vốn ngoại khó xuất hiện tại Việt Nam là do quy mô thị trường nhỏ, trong khi số lượng các CTCK quá nhiều, tính chất cạnh tranh gay gắt. thực tế đó cũng cho thấy, việc tham gia kinh doanh dịch vụ chứng khoán tại Việt Nam trong ngắn hạn chưa phải là cơ hội tốt và hấp dẫn được nhà ĐTNN.