Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cục ATTP có “tạo cơ hội” cho DN thu lời bất chính?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 28/2, trong cuộc trao đổi với báo giới xung quanh những thông tin sai phạm về sản phẩm sữa Danlait, ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (ATTP - Bộ Y tế) khẳng định: Sữa dê Danlait do Công ty TNHH Mạnh Cầm nhập khẩu được lưu hành tại Pháp và tuân thủ đầy đủ các quy định ATTP tại quốc gia này.

 
Tuy nhiên, theo lời các chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng, tỷ lệ đạm trong 1kg sữa bột phải trên 30% mới đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Ngoài ra, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với các sản phẩm sữa dạng bột hiện hành, điều kiện hàm lượng đạm trong sữa ở mức 34% và 26 - 42% chất béo.
 
Cục ATTP có “tạo cơ hội” cho DN thu lời bất chính? - Ảnh 1
 
Ngoài ra, Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) quy định hàm lượng đạm trong sữa dành cho đối tượng trẻ em từ 0 đến 12 tháng tuổi xê dịch từ 11 - 18% và 18 - 34% cho trẻ 12 đến 36 tháng tuổi; Trong khi đó, các sản phẩm Danlait chỉ đạt mức 14 - 20% lượng đạm, thấp hơn rất nhiều so với các quy chuẩn đã ban hành.

Sau khi lực lượng chức năng vào cuộc, Cục ATTP lại cho rằng, việc áp dụng chỉ tiêu hàm lượng protein sữa tối thiểu 34% đối với các sản phẩm sữa bột là không đúng và sữa bột công thức dành cho trẻ em và nhiều đối tượng đặc biệt không thể áp dụng theo tiêu chuẩn 34% độ đạm được.

Trên trang thông tin của Cục ATTP cũng đã cho đăng tải thông tin về kết quả sau khi tiến hành kiểm tra, xem xét về sản phẩm sữa dê Danlait, Cục ATTP đã sử dụng cả hai tên gọi thực phẩm bổ sung lẫn sữa dê Danlait để nói về sản phẩm của Công ty TNHH Mạnh Cầm?

Về vấn đề nhãn mác, ông Lê Văn Giang cho rằng, việc ghi nhãn mác không đúng thì doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, bởi họ ghi không đúng với những thông tin công bố với Cục. Ông Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATTP cho rằng, việc ghi nhãn không đúng với công bố sản phẩm là hành vi lừa dối người tiêu dùng. "Thức ăn bổ sung là để ăn thêm, ăn dặm và chỉ dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Việc chứng nhận cho sữa kém chất lượng trở thành thực phẩm bổ sung đã gắn mác cho sản phẩm này được lưu thông hợp pháp. Điều đó thể hiện sự yếu kém về năng lực của cơ quan quản lý" - ông Đáng gay gắt. 

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, với chức năng quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm và nắm rất rõ các quy định đối với lĩnh vực này, vì sao Cục ATTP vẫn cấp Giấy đăng ký chất lượng sản phẩm theo kiểu nước đôi cho sữa Danlait. Chính chứng nhận như vậy đã tạo cơ hội cho nhà nhập khẩu lợi dụng để quảng bá sữa, thu lời bất chính mà đáng ra phải ghi rõ ràng: "Thực phẩm bổ sung” cho nhãn hiệu Danlait”.