Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cục Hàng không: 'Giới hạn' tàu bay mua mới giai đoạn 2016-2020?

Theo Chinhphu.vn
Chia sẻ Zalo

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đã có trao đổi để làm rõ thêm một số điểm băn khoăn liên quan đến Chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không và đội tàu bay dân dụng Việt Nam giai đoạn 2016-2020 vừa được Cục Hàng không trình Bộ GTVT.

Chỉ mua thêm 89 máy bay trong 4 năm tới
Số liệu tổng hợp của Cục Hàng không đến năm 2020 cho thấy, Vietnam Airlines (bao gồm cả Vasco) đã lên kế hoạch mua sắm, đầu tư đội tàu bay với 114 chiếc, trong đó có loại máy bay thân rộng (Boeing 777, Boeing 787, Airbus 330, Airbus 350) là 32 chiếc, tăng 24 chiếc; Jetstar Pacific sẽ xây dựng đội tàu bay gồm 30 chiếc chủ yếu là A320/A321.
Đứng đầu trong số các hãng hàng không duy trì tốc độ tăng trưởng đội tàu bay là Vietjet với 100 chiếc A320/A321 vào năm 2020, tăng 55 chiếc so với thời điểm đầu quý III/2016. Ngoài ra, Vietstar - hãng hàng không đang đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, sẽ có đội bay gồm 19 chiếc máy bay tầm trung, chủ yếu là các dòng máy bay A320 và Boeing 737.
Có thể thấy, đội tàu bay của 4 hãng hàng không nội địa đang tăng mạnh, từ 94 chiếc năm 2011 lên 141 chiếc vào quý III/2016.
Như vậy, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng đội tàu bay như trên, tổng sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không trong nước sẽ duy trì mức tăng trưởng trung bình khoảng 20,3%/năm và đạt khoảng 102 triệu lượt hành khách vào năm 2020, tăng gấp đôi sản lượng của năm 2016, vượt khoảng 24% so với Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 8/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ. 
Tuy nhiên, theo dự thảo Chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không và đội tàu bay dân dụng Việt Nam giai đoạn 2016-2020 do Cục Hàng không Việt Nam xây dựng, trình Bộ GTVT mới đây, đến năm 2020 Việt Nam sẽ có 230 tàu bay dân dụng. Như vậy, trong 4 năm tới, các hãng hàng không chỉ được mua tối đa 89 tàu bay nữa.
Theo đại diện một số hãng hàng không trong nước, doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định của pháp luật và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh của mình. Vì vậy, dự thảo nói trên của Cục Hàng không có thể kìm hãm sự phát triển của các hãng hàng không nội địa, vì với quy mô đội tàu bay như vậy, các hãng chỉ có thể phát triển trong khuôn khổ được định hướng.
Cần điều tiết để phát triển bền vững vận tải hàng không

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết lý do quyết định đội tàu bay dân dụng của Việt Nam trong 4 năm tới (2016-2020) chỉ ở mức 230 chiếc là do hạ tầng không thể đáp ứng kịp tốc độ phát triển.
Bên cạnh đó, giai đoạn đến năm 2020, nhu cầu của các hãng hàng không Việt Nam về vị trí đậu tàu bay qua đêm tại các sân bay căn cứ là 242 vị trí, vượt 22 vị trí, đặc biệt tại 2 cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất, mức vượt quá lớn (53 vị trí).
Theo ông Thanh, Nhà nước không quy định đội tàu bay của các hãng chỉ được phát triển ở một con số nhất định nhưng chỗ đỗ tàu bay chỉ đáp ứng được một mức nhất định tại Hà Nội và TPHCM. Vì vậy, các hãng căn cứ vào dự thảo để lên kế hoạch phát triển đội tàu bay của mình, còn nếu hãng tăng đội tàu bay rồi đặt đỗ ở Cần Thơ, Phú Quốc… thì không có vấn đề gì.
Ngành hàng không hướng tới phát triển bền vững, không thể cạnh tranh với đường bộ, đường sắt vì hàng không có những đặc thù riêng về an toàn, an ninh cũng như việc đỗ một chiếc máy bay phức tạp hơn rất nhiều so với một chiếc ô tô, ông Lại Xuân Thanh cho biết.
Trong khi đó, hiện nay tình trạng tắc nghẽn đang diễn ra ở hầu hết các sân bay lớn, đặc biệt nghiêm trọng là Tân Sơn Nhất, trong khi sân bay Long Thành phải mất nhiều năm nữa mới có thể hoàn thành, còn sân bay Cam Ranh, sân bay Đà Nẵng… cũng đã bắt đầu quá tải.
“Việc đầu tư hạ tầng hàng không cần thời gian dài chứ không thể nói chuyện ngày một ngày hai là có thể đầu tư mở rộng sân bay, xây thêm đường lăn, sân đỗ tàu bay được. Do đó, trong chiến lược phát triển vận tải hàng không không thể không có sự điều tiết của quản lý Nhà nước. Nếu cứ để hàng không phát triển tự do đội tàu bay thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy”, ông Lại Xuân Thanh thông tin.
Liên quan đến ý kiến cho rằng chiến lược phát triển đội tàu bay (theo dự thảo của Cục Hàng không) đã kìm hãm tốc độ phát triển của các hãng hàng không, ông Lại Xuân Thanh cho rằng, nếu cứ để các hãng tự do phát triển đội tàu bay thì chắc chắn hạ tầng sẽ không đáp ứng được. Do vậy, Nhà nước phải có kế hoạch phát triển đội tàu bay dân dụng, phải điều tiết. Các hãng hàng không căn cứ vào chiến lược chung của ngành để đưa ra chiến lược phát triển đội tàu bay của mình một cách hợp lý.
Mặt khác, ông Thanh cho rằng, ngay trong dự thảo Chiến lược phát triển đội tàu bay mà Cục xây dựng và trình Bộ GTVT thì tốc độ phát triển hằng năm đạt trên 20%/năm cũng không phải con số thấp. Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển đội tàu bay được đưa ra dựa trên chiến lược phát triển hạ tầng hàng không và cũng chỉ trong một khoảng thời gian nhất định nên sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của các hãng.