Cung cấp hợp đồng điện tử, EVN phục vụ người dân, doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/12, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Lễ công bố ”Cung cấp Hợp đồng điện tử”.

Đây là sự kiện đánh dấu quá trình hoàn thành việc cung cấp các dịch vụ điện bằng phương thức điện tử, đem dịch vụ điện năng đến gần hơn nữa, thuận tiện hơn nữa với tất cả khách hàng sử dụng điện trong cả nước; đồng thời đây cũng là hoạt động thiết thực nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 – 21/12/2019).
Các đại biểu thực hiện nghi thức lễ công bố. Ảnh: Khắc Kiên
Thực hiện cam kết
Tại lễ công bố, Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, tính đến năm 2019, Tập đoàn đã cấp điện đến 100% số xã và 11/12 huyện đảo đã được EVN cung cấp điện trực tiếp qua điện lưới Quốc gia hoặc các nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ như điện mặt trời, điện gió với tổng số trên 28 triệu khách hàng trên cả nước. Bình quân mỗi năm, EVN tiếp nhận và xử lý trên 1 triệu khách hàng mới đăng ký sử dụng dịch vụ điện năng. Việc áp dụng hợp đồng điện tử và phương thức điện tử trong cung cấp dịch vụ điện là bước tiến phù hợp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát triển thương mại điện tử để minh bạch, đa dạng hoá trong giao tiếp với khách hàng, hỗ trợ rút ngắn quá trình cung cấp dịch vụ, nâng cao năng suất lao động, giúp tiết kiệm chi phí kinh doanh, đơn giản và thuận tiện trong quản lý, giám sát việc triển khai giải quyết yêu cầu khách hàng tại các đơn vị điện lực nhằm đảm bảo việc thực thi và cung cấp dịch vụ đúng như các cam kết của EVN.
Năm 2019, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiến hành việc cải tiến thêm một bước nữa trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng với việc triển khai cung cấp Hợp đồng mua bán điện và các dịch vụ điện theo phương thức điện tử, với phương thức mới này, từ dịch vụ cấp điện mới đến các dịch vụ thay đổi trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện như: nâng công suất, thay đổi định mức số hộ, thay đổi mục đích sử dụng điện, treo tháo công tơ điện định kỳ…
Các dịch vụ, như: Số hóa toàn bộ hồ sơ liên quan đến dịch vụ điện. Khách hàng chỉ cần sử dụng Internet để cung cấp hồ sơ, nhận thông tin, xác thực. Ảo hóa giao tiếp giữa ngành điện và khách hàng, tạo thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hang; ứng dụng công nghệ hiệu quả, dễ sử dụng; khách hàng chỉ cần ký các hồ sơ điện tử được thực hiện theo phương thức mật khẩu một lần (OTP) hoặc chữ ký điện tử (CA) đối với doanh nghiệp.
Việc triển khai dịch vụ điện theo phương thức điện tử là thực hiện theo định hướng triển khai dịch vụ công của Chính phủ. Theo đó, mọi thông tin và dịch vụ đều minh bạch, rõ ràng, có cơ chế giám sát, kiểm tra thường xuyên. 
Thuận lợi cho người tiêu dùng
Theo Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, việc cung cấp hợp đồng điện tử tạo thuận lợi hơn cho khách hàng, thay vì phải đến trực tiếp các điểm giao dịch, người tiêu dùng có thể thông qua hệ thống mạng để giao dịch với EVN. Việc này thể hiện sự thay đổi mang tính cách mạng của EVN, từ cung cấp sang dịch vụ, lấy khách hàng làm trung tâm, giúp thuận tiện hơn với người tiêu dùng, từng bước thực hiện số hóa ngành điện.
Với dịch vụ này rất tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Khắc Kiên
Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Đình Nhân khẳng định, đây là mức cao nhất trong cung cấp dịch vụ công Chính phủ. Việc triển khai cung cấp hợp đồng điện tử là quyết tâm mạnh mẽ của EVN trong ứng dụng nền tảng công nghệ 4.0 gồm: Đưa hồ sở điện tử, hóa đơn điện tử, giao dịch điện tử... vào giao dịch khách hàng nhằm tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng. 
“EVN cam kết sẽ đáp ứng mọi nhu cầu dịch vụ điện hợp pháp của người dân, đảm bảo đúng nội dung và thời gian yêu cầu; đồng thời EVN cam kết thực hiện theo cơ chế một cửa, công khai, dễ kiểm tra và giám sát...” - ông Nguyễn Đình Nhân nói.
Trước đó, ngày 9/12/2019, EVN đã triển khai kết nối và cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia cho 03 dịch vụ cung cấp điện gồm: đăng ký và cấp mới khách hàng trung áp; đăng ký và cấp mới khách hàng hạ áp; thanh toán tiền điện. Trong năm 2019, EVN triển khai giao dịch qua phương thức điện tử trên toàn quốc đối với 100% các dịch vụ điện. Đến nay, EVN đã thực hiện phối hợp với 39/63 tỉnh, thành phố xây dựng Quy chế phối hợp “một cửa liên thông” trong cấp điện mới qua lưới điện trung áp, toàn bộ các dịch vụ điện của EVN được cung cấp tại Trung tâm Hành chính công/Cổng Thông tin điện tử của 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Những bước tiến mạnh mẽ của EVN trong việc áp dụng các phương thức giao dịch điện tử trong nhiều năm qua đã được người dân và cộng đồng ghi nhận. Ngày 06/9/2019, EVN cùng một số đơn vị của ngành Điện đã được nhận giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc Việt Nam 2019 của Hội Truyền thông số Việt Nam. Trong nhiều năm qua, EVN đã chủ động tham gia chuyển đổi số một cách toàn diện với quyết tâm cao để góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng và sớm đạt được mục tiêu đề ra.
Năm 2019, tiếp tục ghi nhận Chỉ số Tiếp cận điện năng duy trì đà tăng về điểm số năm thứ 6 liên tiếp với số điểm là 88,2 điểm (tăng 0,26 điểm so với năm 2018 là 87,94 điểm), đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN - nằm trong nhóm ASEAN-4, đồng thời duy trì vị trí xếp hạng 27 trên tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế. Xét riêng về số thủ tục và thời gian thực hiện cung cấp điện của ngành Điện thì Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN...
Lễ công bố "Cung cấp Hợp đồng điện tử" thể hiện rõ quyết tâm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đi kịp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc thực hiện hiện đại hóa các dịch vụ công, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc xây dựng nền kinh tế số, đem lại sự thuận tiện cho khách hàng và đảm bảo minh bạch.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần