Đặc biệt là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BHXH, thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước về BHXH, hướng tới sự hài lòng và củng cố niềm tin của người dân.Cụ thể, Nhà nước tổ chức vận hành tầng hưu trí dựa trên nguyên tắc “đóng - hưởng”, có sự chia sẻ nhằm bảo đảm an sinh cho người lao động (NLĐ). Đồng thời, thiết kế chế độ hưu trí bổ sung để DN có thỏa thuận tốt hơn cho NLĐ, thu hút người tài, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh; tạo điều kiện cho người về hưu có cơ hội đa dạng hóa tài chính và nâng mức lương hưu. Bên cạnh đó, giảm điều kiện thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu. Với quy định này, người ở độ tuổi trung niên (45 - 50 tuổi) cũng có thể được hưởng chế độ hưu trí. Qua đó, mở rộng diện bao phủ, nâng cao năng lực tự bảo đảm an sinh xã hội của người dân, giảm mức độ phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Điều này khẳng định tính tất yếu của việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để ứng phó với quá trình già hóa dân số, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động và quan hệ lao động. Tăng cường sự liên kết hỗ trợ giữa các chính sách, nhất là chính sách bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm hưu trí để tăng cường sự gắn kết trong cộng đồng, đóng góp vào tăng trưởng và nâng cao năng suất lao động quốc gia.Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khi triển khai chính sách BHXH sẽ gặp một số thách thức, do đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ, kể cả người đã nghỉ hưu. Chính sách BHXH vừa mang tính xã hội vừa mang tính kinh tế, đồng thời lại có tính chuyên môn khá sâu, phức tạp, nhạy cảm nên gặp thách thức lớn trong việc truyền thông để tạo sự đồng thuận xã hội. Đặc biệt, việc cải cách có tầm nhìn trong dài hạn, song lại phải tiến hành khẩn trương, quyết liệt nên cần có quyết tâm và sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị.Vì vậy, để triển khai thực hiện, cần tập trung vào một số giải pháp như tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, BHXH; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về BHXH; nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chính sách. Ngoài ra, Quốc hội cần bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, ưu tiên tiếp tục hoàn thiện các dự án luật trực tiếp phục vụ triển khai thực hiện Nghị quyết như Luật BHXH, Luật Việc làm, Bộ luật Lao động; tăng cường giám sát việc cải cách chính sách, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, hướng tới sự tiến bộ, công bằng, bền vững.