Tại Hà Nội, khảo sát tại một số chợ như Nghĩa Tân, Thành Công, Ngã Tư Sở, Kim Giang... giá một số thực phẩm không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết như thịt gà, thịt lợn và thịt bò vẫn ổn định. Hiện, giá gà sống đang ở mức 190.000 đồng/kg, bắp bò là 320.000 đồng/kg, thăn bò là 300.000 đồng/kg, giá tôm sú dao động từ 500.000 - 600.000 đồng/kg, sườn lợn có giá140.000 đồng/kg, thịt nạc vai lợn có giá 120.000 đồng/kg.
Khác hàng mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Lê Nam
|
Nếu như thực phẩm tươi sống không có hiện tượng tăng giá đột biến thì giá bán mặt hàng rau xanh tăng đáng kể. Hiện súp lơ có giá 15.000 đồng/cái, tăng 25%; su hào là 4.000 đồng/củ, tăng 30%.
Đắt hơn cả là mặt hàng cau, trầu dùng thắp hương trên bàn thờ gia tiên giá bán tăng 200% so với ngày thường, hiện được bán với giá 15.000-30.000 đồng/quả.
Mặt hàng hoa Tết bán trong ngày 30 Tết cũng đã tăng cao, hoa ly loại 3-4 bông tăng từ 3.000-5.000 đồng/cành hiện được bán giá 40.000-50.000 đồng/cành. Đặc biệt hoa hồng dùng để cúng trong đêm giao thừa giá từ 10.000-15.000 đồng/bông, trong khi ngày thường chỉ 5.000-7.000 đồng/bông. Cành đào nhỏ cắm trên ban thờ cũng có giá từ 70.00 – 100.000 đồng/cành, cành đào loại vừa dùng để cắm chơi có giá từ 250.000 – 300.000 đồng/cành.
Ảnh: Bích Hời
|
Nếu như những hôm trước hệ thống siêu thị Hà Nội đón một lượng khách mua sắm khổng lồ thì trong ngày 18/2 (tức 30 Tết) không khí mua sắm tại các siêu thị trong không còn cảnh chen lấn, xô đẩy như trước đó 1-2 ngày. Đại diện siêu thị Big C Thăng Long cho biết, sức mua tại hệ thống Big C những ngày Tết vừa qua đã tăng gấp 300% so với ngày thường, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình có khoảng 50.000 lượt khách tới thăm quan, mua sắm mỗi ngày. Còn tại hệ thống siêu thị VinMart, Fivimart lượng người mua sắm cũng không còn quá đông. Đối với hệ thống VinMart, tổng lượng hàng hóa bán ra tăng khoảng 50% so với ngày thường…
Theo bà Trần Thị Phương Lan- Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Trong các ngày 27, 28, 29 Tết, các siêu thị phục vụ một lượng lớn người tiêu dùng là bởi những ngày đó trùng vào kỳ nghỉ cuối tuần, bên cạnh đó, người lao động ngoại tỉnh và làm việc tại Hà Nội mua đồ về quê biếu tết. Tuy nhiên đến ngày 30 Tết hầu hết các gia đình đều đã hoàn tất việc mua sắm xong các thực phẩm, đồ dùng cần thiết nên sức mua đã trở lại bình thường.
Theo Bộ Công Thương, giá trị hàng hóa cả nước chuẩn bị cho một tháng tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đạt 200.000 tỷ đồng, tăng 10-15% so với Tết Giáp Ngọ 2014. Đến nay, cả nước có 38 tỉnh, thành phố triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, trong đó 23/38 tỉnh, doanh nghiệp tham gia chương trình mà không nhận vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh không nằm trong chương trình bình ổn thị trường cũng đã chuẩn bị nguồn hàng Tết trị giá cao hơn mức tiêu thụ tháng bình thường từ 10-15%.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, các đoàn công tác của Cục Quản lý giá vừa đi kiểm tra tại một số địa phương tại ba miền Bắc, Trung, Nam. Hầu hết các doanh nghiệp tại ba miền đều chuẩn bị lượng hàng phục vụ Tết phù hợp với thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Đồng thời, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết không tăng giá trong dịp Tết, góp phần bình ổn thị trường nên dự kiến mặt bằng giá thị trường Tết không có nhiều biến động, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, tăng giá đột biến.