Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cũng là cách làm hay

Nhật Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rôm rả trong cộng đồng hai hôm nay là chuyện Hà Nội sẽ rung chuông chùa thay cho việc bắn pháo hoa đêm giao thừa.

Người khen, kẻ chê, song nhìn nhận một cách công bằng thì thấy đó cũng là một ý tưởng mới cho thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới, phù hợp với tình hình hiện nay.
 Chuông chùa sẽ được ngân lên trong dịp năm mới 2017 (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Quyết định không bắn pháo đêm giao thừa của Hà Nội cũng khiến người dân cảm thấy thiếu đi điều gì đó, nhưng không ai phủ nhận sự cần thiết phải tiết kiệm để sẻ chia vất vả, gian nan với người dân ở khúc ruột miền Trung. Và bù lại cho người dân Thủ đô, những người làm văn hóa đã tăng thêm các hoạt động nghệ thuật, mở ra nhiều sân khấu biểu diễn để tô màu cho bức tranh không khí Tết thêm phần sống động. Cùng với đó, Sở VH&TT đã gửi đi văn bản khuyến khích các nhà thờ, đình, đền, chùa cùng rung chuông trong thời khắc giao thừa để tạo sự cộng hưởng thông báo thời điểm chuyển giao năm cũ sang năm mới. Phải ghi nhận ở đây trước tiên là tấm lòng và tâm huyết của người làm văn hóa.
Dù tiếng chuông nhà thờ có không giống tiếng chuông nơi cửa chùa, thì thời khắc ấy, sự cộng hưởng ấy cũng tạo ra một âm thanh ghi dấu ấn năm mới Đinh Dậu ở giữa đất Thăng Long ngàn năm văn hiến này. Không rộn ràng như pháo hoa, không tưng bừng sắc màu như bao đêm giao thừa đã qua, nhưng tiếng chuông chùa và tiếng chuông nhà thờ luôn âm vang một sự thiêng liêng, bình an tựa như một lời chúc phúc đầu năm mới. Điều đáng nói là việc làm ấy không hề khó, bởi cả nhà sư và cha xứ đều đồng tình cho rằng đánh chuông thay bắn pháo hoa đêm giao thừa là việc tốt. Việc ấy thật ra đã thành nếp trong nhiều ngôi chùa, đình, đền, nhà thờ, giờ Sở VH&TT có văn bản khuyến khích thì càng hay. Đến cả vị giáo sư có hàng chục năm nghiên cứu văn hóa Việt Nam cũng đồng tình ủng hộ: Đồng loạt rung chuông vào thời khắc giao thừa đã từng được làm và không có gì lạ. Tiếng chuông đó theo quan niệm dân gian là nhằm thể hiện sự giao hòa giữa trời đất, xua đuổi âm khí, đón khí Xuân ấm áp về. Thế nên “Không có gì phải bàn cãi cả vì đó là điều tốt đẹp!” như vị giáo sư này nói.
Thật ra, cái gì mới bao giờ cũng có cả lời khen lẫn tiếng chê. Nhưng khi nhìn nhận nó bằng cái nhìn thiện chí, sẽ thấy từ đó nhiều điều mới mẻ, tốt đẹp. Và lâu ngày cái mới ngày nào trở thành một thói quen, thì tiếng chê sẽ chìm trong quên lãng. Cũng như một dạo, người dân ồn ào tiếc nuối vì Tết không còn tiếng pháo, nhưng giờ nhìn lại, rõ ràng không đốt pháo là nên vì an toàn cho người, an toàn cháy nổ, lại tránh được sự lãng phí. Giờ thay pháo hoa bằng tiếng chuông cũng thế - pháo hoa sẽ nở trong lòng người khi thương cảm nhìn về người dân ở khúc ruột miền Trung đang lao đao vì thiên tai, bão lũ…