Vẫn làm ăn kiểu chụp giật
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp. Nắm bắt được xu thế đó, việc xây dựng các chuỗi liên kết trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã được ngành nông nghiệp Hà Nội quan tâm triển khai. Một trong những chuỗi điển hình nhất hiện nay là chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ thực phẩm sạch GreenFood Hà Nội. Đây là mô hình chuỗi khép kín cung cấp đầy đủ cho các trại chăn nuôi từ thức ăn, con giống có chất lượng đến giá cả hợp lý. Sản phẩm khi thu hoạch được đưa vào cơ sở giết mổ công nghiệp và tiêu thụ tại hệ thống cửa hàng tiện ích. Hiện tại, chuỗi GreenFood Hà Nội có 80 trang trại chăn nuôi ở ngoại thành, cung cấp 500 tấn thịt lợn, 100 tấn thịt gà và 25.000 quả trứng/tháng cho thị trường Thủ đô.Cũng trong lĩnh vực chăn nuôi, chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ trứng sạch Tiên Viên (xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ) có 12 trang trại chăn nuôi gà đẻ. Ông Đặng Đình Tiên - Giám đốc Công ty CP Tiên Viên, đơn vị tổ chức chuỗi liên kết này cho biết, các trang trại tham gia chuỗi chăn nuôi theo quy trình thống nhất, khép kín, đảm bảo đầy đủ các điều kiện vệ sinh thú y. Đặc biệt, sản phẩm trứng được khử trùng, phân loại, đóng hộp và dán nhãn trước khi bán ra thị trường. Hiện, trứng gà Tiên Viên được bán tại gần 100 cửa hàng trong khu vực nội thành Hà Nội với sản lượng tiêu thụ trung bình 70.000 quả/ngày.
Ngoài hai chuỗi trên, Hà Nội còn có một số chuỗi liên kết chăn nuôi quy mô nhỏ, khép kín tại các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây, Ứng Hòa, Thanh Oai... Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn TP hiện có 17 chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm với hơn 3.400 thành viên và 1.313 đại lý, điểm tiêu thụ. Trung bình mỗi ngày, các chuỗi liên kết tham gia tiêu thụ hơn 390.000 quả trứng, 22,3 tấn thịt lợn và 10,5 tấn thịt gia cầm. Điều này cho thấy, số chuỗi liên kết và lượng thực phẩm cung ứng từ các chuỗi vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu tiêu dùng. "Việc xây dựng chuỗi liên kết còn gặp nhiều khó khăn do tư duy làm ăn manh mún, chụp giật vì lợi ích cá nhân" - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhận định.
Đối với sản phẩm rau, thời gian qua, một số HTX đã bắt đầu đứng ra tổ chức tiêu thụ sản phẩm RAT cho nông dân như HTX Văn Đức (Gia Lâm), HTX Đại Lan (Thanh Trì), HTX Phú An (Thanh Đa - Phúc Thọ) nhưng số lượng tiêu thụ chưa nhiều. Theo thống kê, toàn TP có khoảng 25 HTX sản xuất và tiêu thụ RAT với sản lượng chỉ đạt trung bình 200 - 300kg/HTX/ngày. Ngoài ra, trên địa bàn TP có khoảng 15 DN tham gia một phần chuỗi tiêu thụ RAT với sản lượng rau cung cấp cho thị trường trung bình 500 - 700kg/DN/ngày, những ngày cao lên khoảng 2 - 3 tấn/DN/ngày. Con số này so với nhu cầu tiêu dùng 2.000 - 3.000 tấn rau/ngày của TP thì còn quá ít ỏi. Trong khi đó, các sản phẩm khác như quả tươi, thủy sản đến nay hầu như chưa xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nào mà chủ yếu người nông dân vẫn tự sản xuất rồi "buôn thúng, bán mẹt".
Liên kết lỏng lẻo
Với đặc thù sản xuất nhỏ, phụ thuộc vào thời tiết và thị trường, rủi ro cao nên các DN không mấy mặn mà đầu tư vào nông nghiệp. Bởi vậy, phần lớn người nông dân vẫn phải "tự bơi" để tìm đầu ra. Đơn cử, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm có diện tích đất sản xuất 250ha, trong đó, diện tích đất bãi được quy hoạch thành vùng trồng cây ăn quả. Năm 2012, vùng đất bãi xã Cổ Bi được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất quả an toàn. Tuy nhiên, sản phẩm thu hoạch được chủ yếu là bán buôn hoặc người dân thuê xe vận chuyển đi các vùng xa để bán và bán lẻ tại các chợ nên giá cả không ổn định.
Mặc dù từ cuối năm 2011, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã triển khai thí điểm dãn nhán tem RAT đối với một số sản phẩm nhưng thực tế việc phân phối, tiêu thụ vẫn còn nhiều bất cập. Ông Chử Đức Nhị - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Văn Đức (Gia Lâm) chia sẻ, do đa phần người dân thu hoạch rau lúc cuối giờ chiều kéo theo việc gắn nhãn rất muộn nên một số chủ hàng xếp thẳng rau vào xe không qua đóng bao túi. Hơn nữa, khi vào các chợ bán buôn, RAT có dán nhãn bán giá tương đương rau thông thường nên chưa khuyến khích được người sản xuất.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, toàn TP có trên 180.000 hộ sản xuất RAT với quy mô trung bình rất nhỏ, chỉ khoảng 720m2/hộ. Trên thực tế, một số mô hình liên kết với DN sản xuất RAT trên địa bàn TP thời gian qua như tại Văn Đức (Gia Lâm), Thụy Hương (Chương Mỹ), Song Phượng (Đan Phượng)… đều gặp những khó khăn, bất cập nhất định. Thậm chí, một số mô hình sớm "chết yểu" vì thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên. Hiện nay, nếu không có DN tiêu thụ sản phẩm thì hiệu quả thấp. "Không có DN thì người dân không thể tự sản xuất hàng hóa được" - ông Phùng Huy Vinh - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây chia sẻ.
Tình trạng thiếu liên kết cũng đang tồn tại trong lĩnh vực chăn nuôi. Theo ông Trần Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Cổ Đông, trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh thường xuyên xảy ra, giá cả chi phí đầu vào tăng cao, giá bán sản phẩm đầu ra thấp. Điều đáng nói, chăn nuôi cạnh tranh không bình đẳng, thị trường tiêu thụ do thương lái điều tiết ép giá. Thêm vào đó, mô hình liên doanh liên kết từ những năm qua chủ yếu là hợp đồng chăn nuôi gia công và hợp đồng mua bán cung cấp đầu vào, đầu ra với sự thỏa thuận theo thị trường. Do liên kết chưa được chia sẻ bình đẳng nên giá cả lên xuống thường xuyên, dẫn đến chăn nuôi chưa đạt hiệu quả.
Việc hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất vì được đảm bảo đầu ra. Mặc dù vậy, theo ông Đỗ Danh Lãnh - Trưởng trạm Chăn nuôi huyện Thường Tín, sản xuất theo chuỗi là một việc mới, lại chưa có chính sách hỗ trợ kịp thời nên người dân chưa mấy mặn mà. Hơn nữa, sản phẩm làm ra theo chuỗi có giá bán cao hơn sản phẩm thông thường cùng loại là 1.000 - 2.000 đồng/kg, trong khi người tiêu dùng nhận thức chưa đầy đủ về chất lượng, giá trị của sản phẩm nên khả năng nhân rộng chuỗi còn hạn chế.
Theo thống kê, Hà Nội hiện có trên 1.000 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu kinh doanh dịch vụ vật tư đầu vào và làm trung gian phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Thời gian gần đây, một số DN đã đứng ra tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị song chưa bền vững. Theo ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, mối liên kết giữa DN và nông dân còn lỏng lẻo, không có sự chia sẻ lợi nhuận và rủi ro nên người sản xuất thường phá vỡ liên kết khi giá bán tăng đột biến, còn DN phá vỡ hợp đồng khi giá sản phẩm thấp. Đây là những bất cập của ngành nông nghiệp Thủ đô cần được sớm tháo gỡ trong thời gian tới.
(Còn nữa)
Chăn nuôi lợn an toàn sinh học trong chuỗi liên kết sản xuất - cung ứng thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Quang Thiện
|