Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cung USD tăng, vốn huy động VND vẫn hạn chế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau hơn hai tuần Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất huy động USD đối với dân cư ở mức 3%, đến nay, giá mua bán USD liên tục giảm trong những ngày qua và hiện đã thấp hơn gần 2.000 đồng/USD so với mức giá cao điểm trên thị trường tự do cách đây hai tháng.

KTĐT - Sau hơn hai tuần Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất huy động USD đối với dân cư ở mức 3%, đến nay, giá mua bán USD liên tục giảm trong những ngày qua và hiện đã thấp hơn gần 2.000 đồng/USD so với mức giá cao điểm trên thị trường tự do cách đây hai tháng.

Thống kê ban đầu các ngân hàng thương mại cho thấy có một dòng USD từ người dân và doanh nghiệp đang chảy vào ngân hàng. Tuy nhiên, cũng theo các ngân hàng, lượng VND vào ngân hàng lại chưa như mong muốn.

Gặt hái ngoại tệ

Trong tuần qua, tỷ giá liên ngân hàng liên tục được điều chỉnh giảm và đương nhiên giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại cũng được điều chỉnh theo.

TS. Dương Thu Hương - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, thị trường ngoại tệ ổn định và biểu hiện xu hướng vận động tích cực. Theo đó, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do xuống thấp, giá mua vào USD trên thị trường tự do bằng hoặc thậm chí thấp hơn giá mua vào của các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại bắt đầu mua được ngoại tệ từ doanh nghiệp và dân cư. Bên cạnh đó, người dân và doanh nghiệp đã bắt đầu tính đến việc chuyển các khoản tiền gửi bằng USD sang VND.

Bà Hương khẳng định, tâm lý găm giữ ngoại tệ đã giảm. Các số liệu thống kê gần đây cũng cho thấy, tiền gửi ngoại tệ tại ngân hàng của dân cư và tổ chức kinh tế giảm, chứng tỏ tình trạng đôla hóa có dấu hiệu giảm bớt...

Điều này cũng được thể hiện lượng ngoại tệ tăng lên của dân cư bán tại các ngân hàng trong tuần qua. Để phục vụ cho nhu cầu công việc kinh doanh của mình, trước đây anh Nguyễn Văn Quang (phường Cống Vị, Ba Đình) thường bán ở các cửa hàng ngoại tệ tự do vì giá USD ở đây niêm yết cao hơn các ngân hàng, mua bán lại thuận tiện. Tuy nhiên những ngày gần đây sau các biện pháp siết thị trường ngoại tệ tự do của cơ quan quản lý mọi chuyện đã đảo ngược và anh Quang cũng đã thay đổi quan niệm của mình.

Anh Quang cho biết, “Tại các cửa hàng thu đổi ngoại tệ tại chợ đen vẫn hoạt động nhưng tôi thấy bán ở đó rủi ro rất cao, thậm chí và nhiều lần trong tuần qua giá tại thị trường tự do thấp hơn cả giá niêm yết tại ngân hàng nên tôi đã chọn ngân hàng vừa gần công ty lại tiện và nhanh.”

Giao dịch USD tại hệ thống của BIDV trong một tuần qua đã có sự thay đổi đáng kể, lượng USD ngân hàng mua được từ doanh nghiệp tăng 40%, riêng lượng ngoại tệ dân cư đến bán cho ngân hàng cũng tăng 20%.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban vốn và Kinh doanh vốn BIDV cũng cho biết, giá USD niêm yết giảm đã tạo ra nguồn cung cho các ngân hàng trên thị trường ngoại tệ, nguồn cung tăng như vậy chúng ta đã thấy giá USD giảm xuống trong một hai phiên thì không sao, nhưng giá giảm xuống liên tục trong nhiều phiên như vừa qua sẽ làm cho người nắm giữ USD phải cân nhắc, tính toán việc có nên nắm giữ tiếp nữa hay không. Có thể không phải toàn bộ những người đang nắm giữ USD đều chuyển sang VND nhưng dần dần những bộ phận chuyển từ USD sang VND sẽ tăng lên.

VND vào ngân hàng vẫn hạn chế

USD đang bắt đầu chảy vào ngân hàng, nhưng câu chuyện tương tự chưa xảy ra với tiền đồng. Mặc dù lãi suất huy động VND tăng cao, nhưng theo một số ngân hàng, vốn VND vẫn chưa chảy nhiều vào ngân hàng. Trong các khoản tiền gửi tiết kiệm bằng USD đáo hạn tại các ngân hàng những ngày qua thì chỉ có từ 1-2% được chuyển sang tiền đồng tiếp tục gửi tại ngân hàng.

Về vấn đề này, TS. Dương Thu Hương hy vọng, sau khi Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất huy động ngoại tệ (tối đa là 3%/năm đối với cá nhân và 1%/năm đối với doanh nghiệp), người dân và doanh nghiệp sẽ bán ngoại tệ cho ngân hàng và vốn tiền đồng sẽ chảy vào ngân hàng nhiều hơn.

Tuy nhiên, bà Hương cũng tỏ ra băn khoăn, trong bối cảnh lạm phát tăng cao thì một bộ phận người dân tìm cách bảo vệ giá trị tài sản của mình bằng cách đầu tư vào bất động sản. Chính vì vậy, việc giải quyết bài toán vốn VND không chỉ nằm ở lãi suất mà còn phụ thuộc vào xu hướng đầu cơ trên thị trường bất động sản.

“Theo tôi, để vốn VND tập  trung chảy vào ngân hàng và ngân hàng có thể sử dụng nguồn vốn này ưu tiên cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu, khu vực nông nghiệp, nông thôn... với lãi  suất hợp lý thì phải hạn chế tối đa dòng vốn đầu cơ. Để làm được như vậy thì cần phải đánh thuế thật cao vào các giao dịch mua, bán bất động sản mang tính đầu cơ; ngoài ra phải kiểm soát có hiệu quả lạm phát, thị trường vàng và ngoại tệ,” bà Hương cho biết như vậy./.