Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc chiến ngân sách tại Mỹ: Kịch bản có lặp lại?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi dự thảo ngân sách tài khóa năm 2016 đang “hâm nóng” chính trường Mỹ, sự khác biệt giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ trong vấn đề này khiến các nhà quan sát lo ngại, kịch bản đóng cửa chính phủ và những hệ lụy về về kinh tế năm 2013 có thể lặp lại.

Giọt nước tràn ly?

Trong chính sách tài khóa năm 2016, Tổng thống  Mỹ Barack Obama tập trung tận thu thuế từ các tập đoàn lớn và những cá nhân giàu có để giải ngân cho hàng loạt chương trình hỗ trợ tầng lớp trung lưu như tăng chi tiêu giáo dục, nâng cấp cơ sở hạ tầng và phát triển lực lượng lao động. Những mục tiêu này là câu trả lời phản pháo lại chỉ trích trong chiến dịch tranh cử Quốc hội vừa qua rằng đảng Dân chủ chưa tạo được một viễn cảnh kinh tế tích cực.
Tổng thống Obama đang đứng trước áp lực rất lớn trong vấn đề nâng trần nợ công.
Tổng thống Obama đang đứng trước áp lực rất lớn trong vấn đề nâng trần nợ công.
Trong khi đó, đảng Cộng hòa coi đây là cơ hội khẳng định vị thế của Washington trên lĩnh vực quân sự. Trong lúc Moscow dù chịu nhiều áp lực trừng phạt từ Washington cũng như phương Tây, Tổng thống Nga Putin vẫn đều đều rót tiền thêm cho ngân sách quốc phòng, và gần đây nhất là “đặt chân” vào mặt trận Syria với lý do góp mặt vào lực lượng chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, vốn trước đây chỉ có Washington cùng các đồng minh. Đối lại, Mỹ cũng cần khẳng định bằng việc tiếp tục mở rộng hoạt động trên các mặt trận chống IS cũng như ảnh hưởng tại Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO). Những việc đó, dù dưới hình thức nào vẫn cần thêm những khoản ngân sách mới.
“Giọt nước” có vẻ đã “tràn ly” khi ngày 20/10, Tổng thống Obama phủ quyết dự luật ngân sách quốc phòng trị giá 612 tỷ USD và trao trả dự luật này cho Quốc hội Mỹ. Việc Quốc hội kiểm soát trình lên dự luật này cho thấy những nỗ lực “né” các chương trình cắt giảm ngân sách quốc phòng từ đảng Cộng hòa. Trong khi đảng Cộng hòa khẳng định đây là điều cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia và cáo buộc phía Dân chủ nêu ra việc này để “che đậy” những khoản chi vô tội vạ, ông Obama cho rằng không nên đổ quá nhiều ngân sách vào Lầu Năm Góc mà cần cân bằng với các khoản chi tiêu trong nước.

Bóng ma quen thuộc

Sau ngày 15/3 năm nay, khi các biện pháp tạm ngưng áp dụng trần nợ công hết thời hạn hiệu lực, chính quyền Mỹ tiếp tục phải đối diện với nguy cơ chạm trần nợ vào tháng 11 tới. Điều này gợi lại “bóng ma” đóng cửa chính phủ Mỹ năm 2013. Đây không phải là lần đầu tiên đảng Cộng hòa dùng "chiêu bài tiền bạc" để ép chính phủ Tổng thống Obama nhượng bộ trong các chính sách đối nội và đối ngoại.

Năm 2013, Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát không thông qua ngân sách tài khóa năm 2014 trước hạn nâng trần nợ công do những bất đồng về việc cắt giảm chi tiêu và kết quả là chính phủ đóng cửa 16 ngày do có kinh phí hoạt động, tiêu tốn 24 tỷ USD của nước Mỹ.

Thực tế, giới quan sát cho rằng, viễn cảnh tươi sáng nhất của cuộc chiến ngân sách ở Mỹ là Quốc hội sẽ chỉnh sửa dự luật ngân sách này và thỏa hiệp một cách có chừng mực với chính phủ để chờ đến cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, khi phe Cộng hòa hy vọng ứng viên của họ sẽ chiến thắng. Tuy nhiên, đó là phần lạc quan nhất, còn đạt được viễn cảnh đó hay không, còn tùy thuộc vào động thái nhượng bộ và đàm phán của cả hai đảng.