Cuộc chơi đầy thử thách

Hồ Hạ thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chia sẻ về phát triển du lịch trực tuyến, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Thanh Hưng cho rằng, Việt Nam tiếp cận du lịch trực tuyến chậm hơn một nhịp so với thế giới và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

 Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Thanh Hưng 
Thưa ông, cơ duyên nào gắn kết Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng tổ chức nhiều hoạt động về du lịch trực tuyến tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2018?
- Năm 2016, khi Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam làm báo cáo chỉ số thương mại điện tử thì phát hiện ra, ứng dụng internet trong hoạt động kinh doanh du lịch và hoạt động du lịch nói chung chiếm tỷ trọng cao. Năm 2017, chúng tôi phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức “Ngày du lịch trực tuyến” tại TP Hồ Chí Minh, thu hút đông đảo DN tham gia. Điều đó khẳng định, thương mại điện tử và du lịch trực tuyến có sự giao thoa rất lớn. Những nhà cung cấp công nghệ, giải pháp, hạ tầng thương mại điện tử, internet… đã nhìn thấy du lịch là một thị trường lớn. Ngược lại, những nhà tiếp thị du lịch trực tuyến nhìn thấy ứng dụng công nghệ vào kinh doanh là cơ hội vàng của họ.

Ông có thể phân tích cụ thể những khó khăn mà du lịch trực tuyến ở Việt Nam đang phải đối mặt?

- Hiện nay, các DN du lịch ở Việt Nam ứng dụng CNTT vào hoạt động kinh doanh rất nhanh, song thương mại điện tử nói chung, du lịch trực tuyến nói riêng đối với Việt Nam là một cuộc chơi đầy thử thách. Chúng ta chưa thực sự giỏi về công nghệ, vốn lại yếu. Thương mại điện tử đã qua cái thời chỉ cần làm website đơn giản, hay ứng dụng trên di động là xong mà đòi hỏi nhiều yếu tố khác. Mặt khác, sự liên kết giữa các DN du lịch ở góc độ du lịch trực tuyến rất lỏng lẻo, mạnh ai nấy làm, nên quy mô nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả chưa cao.

Vậy theo ông, muốn du lịch trực tuyến thực sự là “trợ thủ” đắc lực cho ngành kinh tế xanh, chúng ta cần làm gì?

- Trước tiên, phải xác định công nghệ là giải pháp mang tính đột phá, giúp tăng sức cạnh tranh của du lịch quốc gia. Chính phủ cần số hóa cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia từ tài nguyên du lịch, điểm đến, các sản phẩm du lịch, nhà hàng, khách sạn… làm nền tảng cho phát triển du lịch trực tuyến. Đồng thời, có lộ trình cụ thể để phát triển du lịch trực tuyến. Bởi lĩnh vực này chỉ đạt hiệu quả khi có sự triển khai, kết nối chặt chẽ và đồng bộ giữa các DN, giữa ngành du lịch với các bên liên quan như: Hàng không, khai báo hải quan, xuất nhập cảnh, thuế... Nếu một trong các bên muốn làm việc bằng phương thức truyền thống thì cả bộ máy du lịch thông minh sẽ bị ách tắc.

Xin cảm ơn ông!