Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc đấu mới với kịch bản cũ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở Thái Lan, cuộc đối đầu giữa Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra và phe chống chính phủ tiếp tục leo thang gay cấn và cả tính không khoan nhượng.

Cũng vẫn hai phe năm 2008 đã khoác áo đỏ, áo vàng tranh đấu nhau đến cùng. Điều khác biệt duy nhất là phe chống Chính phủ không chỉ ào vào chiếm công sở nhà nước mà còn cả đại bản doanh của quân đội. Trong thực chất, cuộc đấu mới này vẫn đang diễn ra theo kịch bản cũ.

Kịch bản ấy là phe chống Chính phủ đưa cuộc tranh giành quyền lực từ chính trường ra đường phố sau khi thấy không thể lật đổ được Chính phủ của bà Yingluck Shinawatra bằng những biện pháp hợp hiến. Giống như lần trước, lực lượng chống Chính phủ chủ ý không sử dụng bạo lực và tránh quá khích, nhưng chơi con chủ bài thời gian, kiên trì biểu tình và duy trì việc chiếm công sở, kỳ vọng và khiêu khích Chính phủ dùng cảnh sát và lực lượng an ninh đàn áp. Việc chiếm cả đại bản doanh của quân đội vừa là biện pháp thử xem quân đội đứng về phe nào lại vừa kích giới quân sự can thiệp vào chính trường và lật đổ Chính phủ. Lần trước đã như thế.

Cả Hoàng gia và giới quân sự ở Thái Lan hiện dường như cũng ứng xử theo kịch bản cũ. Nhà vua và giới quân sự đứng ngoài quan sát cuộc đối đầu giữa phe Chính phủ và lực lượng chống chính phủ. Cả hai đều có khả năng đóng vai trò quyết định nhưng vẫn chưa bộc lộ rõ quan điểm. Nhà vua Thái Lan tuy không trực tiếp nhiếp chính nhưng có uy tín và ảnh hưởng rất lớn trong dân chúng. Vai trò trung gian hoà giải của Nhà vua không chỉ được thần dân đánh giá cao mà còn được các phe phái chống đối nhau coi trọng. Giới quân sự Thái Lan thì vẫn luôn là một ẩn số quyền lực. Bởi vì, cả hai tác nhân quyền lực này chưa rời khỏi vị trí “kính nhi viễn chi” nên bên nào trong cuộc đấu mới này giương vũ khí và gây bạo lực trước chắc chắn sẽ thua.