Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc đối đầu cam go

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đúng như dự báo của các nhà quan sát, sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố dự thảo ngân sách 2016 hôm thứ Hai, chính trường nước Mỹ đã lập tức nóng lên bởi các cuộc tranh luận về văn kiện này.

Cuộc đối đầu được dự báo là cam go giữa một bên là Tổng thống của đảng Dân chủ, một bên là Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát khiến nhiều người lo ngại, bởi nó sẽ kéo theo các cuộc phủ quyết, bác bỏ các dự án luật liên quan.
Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Mặc dù ông Obama không quên nhắc tới thành tích cắt giảm thâm hụt ngân sách khoảng 2/3 so với trước khi nhậm chức với tổng số tiền thâm hụt cắt giảm là 1,8 ngàn tỷ USD và dự thảo này không quá lớn so với tưởng tượng của một số người nhưng nó cũng đủ làm dấy lên một cuộc tranh luận có thể sẽ kéo dài trong thời gian tới. Việc Tổng thống Obama còn đích thân lên truyền hình giải thích về dự thảo - một động thái được xem là hiếm hoi trong lịch sử nước Mỹ cho thấy, ông chủ Nhà Trắng đã có sự chuẩn bị tâm lý cho một cuộc chiến ngân sách kéo dài.

Dự thảo ngân sách năm 2016 của Nhà Trắng là 3,99 ngàn tỷ USD, tăng 240 tỷ USD so với năm 2015 nhưng không quá lớn so với quy mô và mức độ muốn duy trì ảnh hưởng của một cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ. Tuy nhiên, các nghị sĩ đảng Cộng hòa thuộc lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã cảnh báo sẽ sử dụng lá bài ngân sách để bác bỏ dự thảo này, nhất là các quy định liên quan đến thuế mà đảng này cho là "vô trách nhiệm" khi cắt bỏ các ưu đãi thuế đặc biệt cho tầng lớp thượng lưu để bù đắp thiếu hụt ngân sách. Đặc biệt, đảng Cộng hòa còn đe dọa sẽ cắt đứt nguồn tài trợ cho Bộ An ninh nội địa (DHS). Đáp lại, ông Obama trong bài diễn văn thuyết phục cử tri về dự thảo ngân sách 2016 cho rằng, đảng Cộng hòa đang muốn đùa với an ninh quốc gia khi cắt giảm ngân sách cho DHS bất chấp việc đây chính là cơ quan đang ngày đêm bảo vệ nước Mỹ trước các âm mưu khủng bố. Trong khi đó, đảng Cộng hòa nhấn mạnh, họ không hề làm hại đến an ninh quốc gia vì từ lâu đã phản đối việc cắt giảm chi tiêu quân sự và còn đề xuất tăng thêm ngân sách quốc phòng là 75 tỷ USD trong năm 2016 thay vì cắt giảm bằng số này.

Ông Obama khẳng định sẽ không chấp nhận một ngân sách trong đó Quốc hội cố tình cắt rời các gắn kết quan trọng giữa an ninh quốc gia và an ninh kinh tế, trong khi ngân sách này không lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ. Nhà Trắng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chậm hơn, lạm phát và lãi suất thấp hơn so với dự báo cách đó một năm. Cụ thể, trong những năm tới, Nhà Trắng dự báo tốc độ tăng trưởng GDP trung bình năm khoảng 2,3%, thấp hơn 1% so với mức trung bình kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ II đến nay. Dù vậy, trong ngân sách của Mỹ năm 2016, Nhà Trắng vẫn muốn tiếp tục giảm các biện pháp kích thích kinh tế, theo đó sẽ tăng thuế với doanh nghiệp và giới thượng lưu để tập trung chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và giáo dục. Động thái nhằm giảm cách biệt giàu nghèo cho thấy tầng lớp trung lưu là một ưu tiên quan trọng của ông Obama nhằm giúp đảng Dân chủ có thêm cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ rất khác khi đảng Cộng hòa trong Quốc hội chuẩn bị công bố một bản dự thảo ngân sách riêng, tập trung vào giảm nợ, cắt giảm các chương trình phúc lợi tốn kém, cải cách thuế để thúc đẩy tăng trưởng vào thời gian tới.