Ảnh minh họa |
Theo lãnh đạo trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, căn cứ điểm chuẩn xét tuyển, trường sẽ xét điểm số theo thứ tự cho đến khi đủ chỉ tiêu. Với các thí sinh ở “nhóm cuối” được xét tuyển nếu bằng điểm nhau, sẽ được tính toán đến phương án xem xét điểm sơ tuyển, tổng điểm kiểm tra định kỳ cuối năm lớp 5 các môn Toán, Tiếng Việt và hộ khẩu thường trú tại quận Cầu Giấy (trụ sở của nhà trường).
Chị Trần Hồng Nhung, quận Cầu Giấy, Hà Nội (có con năm nay dự tuyển lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) chia sẻ: “Mặc dù gia đình ủng hộ nhà trường đặt vấn đề điểm số lên hàng đầu nhưng phải nói thật, phụ huynh rất áp lực”. Nhắc đến điểm số, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội khi chia sẻ, việc đánh giá học sinh hiện nay chưa phân loại tốt học trò, chưa căn cứ vào kết quả thực sự. Đó đây có hiện tượng thầy cô phải ủng hộ mục tiêu thi cử của các em. Việc xét tuyển, cần có những ứng biến linh hoạt, kết hợp nhiều giải pháp khác nhau để kết quả toàn diện hơn.
Dù vẫn có những xì xào nhỏ to về câu chuyện học bạ “toàn 10” của các thí sinh trước khi bước vào lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nhưng có một sự thật cần tôn trọng, đó là trong đợt thi học sinh giỏi quốc gia vừa qua, toàn TP Hà Nội có 103 học sinh đoạt giải (15 giải Nhất, 44 giải Nhì, 44 giải Ba) thì trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có tới 76 học sinh.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, bà Lê Thị Oanh - nguyên Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho rằng, sự tín nhiệm của người dân, các bậc phụ huynh chính là thước đo chính xác nhất về chất lượng đào tạo, uy tín của nhà trường. Toàn bộ đội ngũ giáo viên nhà trường luôn tìm cách phát huy cao nhất khả năng, năng lực của từng học sinh. Mỗi em học sinh khi rời khỏi ngôi trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam luôn tự hào, hãnh diện về nơi mình từng được đào tạo, học tập.