Sáng 28/12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cùng lãnh đạo các bộ, ngành đi thị sát, kiểm tra dọc tuyến dự án từ ga Cát Linh đến bến xe Yên Nghĩa, xem xét công tác thi công các cọc móng và các nhà ga cũng như các “đường găng” về giải phóng mặt bằng.
Với chiều dài 14,5 km, 12 nhà ga, tuyến đường sắt đô thị trên cao 2 làn song song chạy qua một trong những cửa ngõ đông đúc nhất của Thủ đô vẫn đang trong giai đoạn thi công chính. Tổng thầu cho biết đã hoàn thành 279/434 trụ cầu khu gian và 70/112 trụ của nhà ga. Cùng với đó, chủ đầu tư cũng đang chờ kết quả đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp đoàn tàu.
So với kế hoạch tiến độ tổng thể, dự án đang bị chậm ở nhiều hạng mục từ 3-8 tháng. Đặc biệt, công tác GPMB hiện mới bàn giao được 9/13 km chính tuyến và 0,9/1,7 km đường nhánh. Công tác đào tạo, chuẩn bị nhân lực quản lý, vận hành cũng khó khăn khi Hà Nội chưa thành lập được Công ty Đường sắt đô thị.
Một số vấn đề vướng mắc cũng phát sinh liên quan đến thủ tục, tài chính như giá hợp đồng EPC, tổng mức đầu tư, công tác kiểm định, nghiệm thu thiết bị…
Sau khi thị sát và nghe các ý kiến phản ánh tại buổi giao ban công trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ tính chất quan trọng của đường sắt đô thị là mô hình giao thông công cộng hiện đại trong hệ thống giao thông Thủ đô hiện đang trong tình trạng ngày càng quá tải. Đặc biệt, việc đưa vào khai thác tuyến Cát Linh-Hà Đông với khả năng đáp ứng hàng triệu hành khách/năm sẽ tháo gỡ đáng kể sự chật chội của một trong cửa ngõ đông đúc nhất Thành phố.
Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu cùng chính quyền địa phương bằng mọi biện pháp, phối hợp chặt chẽ, tăng ca thi công, quyết liệt giải phóng mặt bằng để lấy lại tiến độ bị chậm, đảm bảo đúng mục tiêu kế hoạch tháng 9/2015 hoàn thành công trình đưa vào vận hành thử, tháng 12/2015 chính thức khai thác thương mại.
Một số điểm GPMB tồn tại phải quyết liệt tháo gỡ như khu vực nhà ga Cát Linh, cuối tháng 3/2014 mục tiêu là phải xong GPMB, các điểm khác cũng quyết tâm hoàn thành trong các tháng 1, 2/2014. Phó Thủ tướng yêu cầu phải linh hoạt, tập trung cho công tác vận động, hỗ trợ, tạm cư, tái định cư cho người dân. UBND Thành phố giao ban thường xuyên với chủ đầu tư, chính quyền cơ sở để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, có giải pháp thống nhất với dân.
Bộ Giao thông Vận tải chú ý đôn đốc, giám sát vấn đề tư vấn, thiết kế tổng thể, cung cấp thiết bị đồng bộ của nhà thầu. Trong đó, lưu ý vấn đề chất lượng, nhất là kiến trúc, cảnh quan, nội, ngoại thất của phương tiện, đảm bảo mô hình vận tải văn minh, hiệu quả. Trong xây dựng, có mặt bằng là phải tổ chức thi công ngay, chỗ nào “đường găng” thì không nghỉ Tết, tăng ca để lấy lại tiến độ.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến xử lý một số vấn đề tài chính, vốn, chuẩn bị nhân lực vận hành khai thác, cơ chế chính sách liên quan đến giải phóng mặt bằng, hợp đồng EPC.
Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt này sẽ có trục đôi khổ đường 1,435m, cho phép tàu chạy trên cao với tốc độ thiết kế 80km/h. Mỗi đoàn tàu được tổ chức chạy 4 toa xe, tần suất vận chuyển tối đa 2 phút/chuyến, năng lực vận chuyển tối đa 28.500 khách/giờ/hướng.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thị sát công trường.
|