Tuy nhiên, mỗi trường dạy một kiểu, chương trình cũng mỗi nơi một kiểu… khiến nhiều người hoài nghi về chất lượng dạy và học.
Chạy đua liên kết
Không phủ nhận đưa tiếng Anh vào giảng dạy ở bậc mầm non, tiểu học là phù hợp và cần thiết, vì đây là giai đoạn thích hợp của lứa tuổi để trẻ tiếp cận với kiến thức. Song buồn một nỗi là đi liền với chủ trương ấy không có một giáo trình nhất quán. Thế nên, mỗi trường chạy theo một chương trình, mỗi nơi một cách thức dạy và vì thế mỗi trường lại có mức học phí khác nhau.
Bản thân “người trong cuộc” - lãnh đạo của một trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng thừa nhận, dạy tiếng Anh ở các bậc học đang theo kiểu trăm hoa đua nở: “Phụ huynh có “cầu” thì trường phải có “cung” để thu hút người học. Nhưng trên thực tế, do tiếng Anh chỉ là môn tự chọn, số lượng giáo viên (GV) tiếng Anh hạn chế, mỗi trường chỉ có một đến 2 GV Ngoại ngữ biên chế, nên hầu hết các trường đều phải liên kết với các TTNN để thực hiện hoạt động này”.
Ở bậc tiểu học, một số chương trình được Sở GD&ĐT Hà Nội thẩm định và cho phép đưa vào trường học, gồm Phonics, Victoria, DynEd, Language Link, BME Kids, Washington… Tùy từng chương trình và việc dạy bằng GV người Việt hay GV bản ngữ, mức học phí mỗi trường thu cũng khác nhau. Cô Nguyễn Thị Bộ - GV Tiếng Anh trường Tiểu học Uy Nỗ (huyện Đông Anh) cho biết, trường có 4 GV (2 GV chính, 2 GV hợp đồng), với 5 khối (từ lớp 1 - 5) gần 1.600 HS, mỗi GV tiếng Anh dạy khoảng 30 tiết/tuần: “Trường liên kết với một TTNN bên ngoài, có GV bản địa dạy tiếng Anh cho HS, dạy theo chương trình Phonics. HS lớp 1 và 2 học theo chương trình Phonics (không có GV nước ngoài) học phí 50.000 đồng/tháng/HS. Lớp 3, 4 và lớp 5 ngoài học 4 tiết/tuần theo chương trình của Bộ GD&ĐT, nhà trường cũng tăng cường thêm chương trình Phonics 2 tiết/tuần (1 tiết có GV bản địa dạy), học phí 120.000 đồng/tháng/HS”.
Triển khai dạy chương trình Phonics ở lớp 1 và 2 còn có rất nhiều trường như Tiểu học Trung Văn (huyện Từ Liêm), Tiểu học Thái Thịnh (quận Đống Đa), Tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa)... Trường Tiểu học Vĩnh Ngọc, Tiểu học Thị trấn A (huyện Đông Anh) liên kết với TTNN bên ngoài dạy HS theo chương trình ABC; còn trường Tiểu học Kim Liên đưa vào trường chương trình DynEd; trường Tiểu học Ngọc Lâm, Tiểu học Ngọc Thuỵ (Gia Lâm) thì lại liên kết với Trung tâm Language Link… Các chương trình có GV bản ngữ đứng lớp nên học phí cũng cao hơn nhiều, thậm chí có nơi học phí từ 4 - 6 triệu đồng/năm. Và cũng do mức học phí cao như vậy, nên không phải lớp nào, HS nào cũng nhiệt tình tham gia.
Lớp 3 không hơn gì... lớp 1
Phải khẳng định, việc học tiếng Anh có người nước ngoài dạy sẽ khiến HS năng động, mạnh dạn hơn. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế các chương trình dạy tiếng Anh tăng cường hiện tại, dù có GV bản ngữ hay không thì hiệu quả vẫn chưa như mong muốn. Như chia sẻ của một GV dạy tiếng Anh tại một trường tiểu học trên địa bàn huyện Đông Anh, đối với các trường có liên kết với TTNN, có người nước ngoài dạy, HS có cơ hội được nghe, nói nhưng lại hạn chế về ngữ pháp: “Thực chất việc dạy và học ngoại ngữ hiện nay chưa thực sự được chú trọng, mới chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, học cho vui. Phụ huynh không phải ai cũng biết tiếng Anh, nên thấy nhà trường thông báo dạy tăng cường ngoại ngữ thì cũng đăng ký bừa cho con, còn hiệu quả thế nào cũng không hay biết. Cuối cùng mất thời gian, tốn tiền bạc mà không đem lại hiệu quả”.
Một số phụ huynh dù biết là việc học tiếng Anh này không mang lại hiệu quả, song vì thương con trong lúc các bạn đi học, con ở lại lớp, mà bằng lòng đăng ký cho con theo học. Chị Đặng Thị H., có con học ở trường Tiểu học Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) cho biết: “Thấy con đi học về nói, hôm nay cả lớp đi học tiếng Anh, có mỗi con và 3 bạn nữa không, tôi lại thương con nên đồng ý cho con học”. Nhưng như chị H. chia sẻ, trình độ tiếng Anh của HS lớp 1 với HS lớp 3 cũng chẳng khác nhau là bao. Chương trình học vẫn chỉ loanh quanh mấy mẫu câu đơn giản, nói gì đến chuyện nghe và nói tiếng Anh.
Bên cạnh đó, môn tiếng Anh tăng cường ở một số nhà trường còn “rơi” vào trong tình trạng bị… khoán trắng, khoán từ GV đến chương trình. Thế nên việc dạy tiếng Anh liên kết chẳng khác nào giao cho đối tác “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Như vậy thì chương trình liệu có đảm bảo chất lượng? Ai là người quản lý chất lượng của những TTNN này?
Trao đổi về vấn đề này, bà Bùi Thị Minh Nga – Trưởng phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài, Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, việc liên kết trong trường học xuất phát từ nhu cầu thực tế của HS, và mỗi trường có nhu cầu riêng. Việc trường dạy chương trình DynEd, trường lại dạy Phonics hay Language Link… là do chương trình có thể phù hợp với HS trường này nhưng lại không phù hợp với trường kia vì trình độ tiếp nhận khác nhau, do đó, mỗi trường có lựa chọn riêng cho phù hợp. Để đảm bảo chất lượng dạy – học, trước hết, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS phải xây dựng đề án liên kết, báo cáo Phòng GD&ĐT quận, huyện theo công văn hướng dẫn của Sở chỉ đạo từ năm 2009. Đề án gồm: Mục tiêu, nội dung, phương thức, quy mô đào tạo, kế hoạch hoạt động... Ngoài ra, phải có hồ sơ pháp lý của đối tác nước ngoài. Hồ sơ pháp lý phải bảo đảm đúng yêu cầu pháp luật, phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, văn bằng, chứng chỉ của GV nước ngoài, có hợp đồng lao động, có giấy phép lao động do Sở LĐTB&XH cấp.
Bà Nga cũng cho biết, Sở có trách nhiệm thẩm định các chương trình, Phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài kiểm tra tính pháp lý của GV nước ngoài. “Hồ sơ của GV nước ngoài phải bảo đảm có hợp đồng lao động, có bằng cấp chuyên môn. Ngoài ra còn có phân cấp: Đối với cơ sở liên kết, người chịu trách nhiệm cao nhất là hiệu trưởng, nhà trường phải có biên bản đồng thuận của Ban giám hiệu liên tịch gồm tổ trưởng chuyên môn các bộ môn, đặc biệt là tổ trưởng tổ GV ngoại ngữ. Ngoài ra, Sở kết hợp với đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó có Công an, Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ tăng cường kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra, lỗi sai thuộc bên nào sẽ có hình thức xử lý nghiêm khắc” - bà Nga khẳng định.
Rõ ràng, thủ tục là một chuyện, nhưng điều quan trọng là câu chuyện “hậu thủ tục” đang diễn ra trong liên kết dạy và học tiếng Anh trong trường tiểu học lại đang… bị thả nổi. Chưa có một cuộc kiểm tra, cũng chưa có một lần kiểm định chất lượng thực tế nào được thực hiện để nhà quản lý biết được chất lượng thực của việc dạy tiếng Anh tăng cường này. Và phụ huynh vẫn "ôm" nỗi lo, trẻ nhỏ vẫn tiếp tục mất thời gian ngồi trong lớp học.
Học sinh trường Tiểu học Nam Trung Yên trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: Quý Trung
|
Tôi đã đăng ký cho con trai học 2 năm, sang năm thứ 3 học tiếng Anh tăng cường trong nhà trường, nhưng đến nay cũng chỉ võ vẽ vài câu chào hỏi đơn thuần. Dạy ngoại ngữ cho HS tiểu học, GV khi giảng dạy phải có phương pháp riêng, phải đưa ra các ý tưởng làm sao cho lớp học càng sinh động, vui vẻ càng tốt. Việc lồng ghép kiến thức vào các trò chơi, bài hát tập thể, truyện kể giúp HS năng động hơn, chứ không thể đi theo lối dạy truyền thống với các lý thuyết về từ vựng, ngữ pháp quá khô khan.
Chị Nguyễn Thị Nga
Phụ huynh HS trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa)
|
Đối với việc học tiếng Anh tăng cường trong các nhà trường, có 2 khía cạnh. Thứ nhất, phụ huynh được quyền lựa chọn, không ai có thể bắt ép. Đối với nhà trường, trường có chương trình chính khóa của Bộ GD&ĐT, ngoài ra, trường tổ chức học ngoại ngữ tăng cường cho HS. Dù các chương trình giảng dạy đều được ngành quản lý cấp phép, tuy nhiên, việc quản lý, kiểm tra chất lượng dạy – học ở các trung tâm này gần như bị thả nổi, dẫn đến việc dạy – học không đạt kết quả. Để dạy – học tốt, có chất lượng, trước hết cấp quản lý phải kiểm tra hàng tháng, hàng quý, kiểm tra kết quả của HS sau mỗi kỳ, mỗi năm học.
Cô Phan Hồng Nga
Giảng viên bộ môn Tiếng Anh, trường ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội
|