Những đối tác này có thời gian từ nay cho đến ngày 30/6 để xử lý mọi vấn đề còn lại cả về thủ tục pháp lý, chi tiết kỹ thuật cũng như thể thức thực hiện đối với giải pháp tổng thể nói trên. Đàm phán tới đây giữa các đối tác này sẽ vẫn còn rất khó khăn và nhiều trắc trở, nhưng triển vọng thành công rất sáng sủa và cơ hội để các bên liên quan này giải quyết được dứt điểm với nhau vấn đề hạt nhân của Iran là rất thực tế. Điều có thể chắc chắn được là giải pháp chính trị dù thỏa thuận với nhau như thế nào cũng đều bao hàm những nội dung mấu chốt là Iran có quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục tiêu dân sự hòa bình và không theo đuổi chương trình nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân. Mỹ và phương Tây sẽ phải dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt Iran về kinh tế, tài chính và thương mại liên quan đến chương trình hạt nhân và Tehran sẽ chịu sự thanh tra, giám sát nghiêm ngặt của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Đối với giới kinh doanh, triển vọng giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran có tác động rất mạnh mẽ. Iran được coi là một đối tác kinh tế, hợp tác đầu tư và trao đổi thương mại đầy tiềm năng mà ai cũng muốn tranh thủ, là thị trường béo bở mà ai cũng muốn chinh phục và có phần. Iran đang có nhu cầu rất lớn để hợp tác đầu tư và thúc đẩy thương mại, đổi mới và hiện đại hóa công nghệ để phát triển. Đặc biệt là thế giới bên ngoài không thể không lưu ý đến việc Iran sẽ lại trở thành một cường quốc dầu lửa mới của thế giới. Trước đây, Iran vốn đã như thế. Trữ lượng dầu lửa của Iran, tính đến năm 2013, với gần 158 tỷ thùng đứng thứ 3 trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), chỉ sau có Venezuela và Ả Rập Saudi. Sau khi không còn bị Mỹ và Phương Tây cấm vận và trừng phạt, Iran lại có thể xuất khẩu dầu, có được công nghệ mới để hiện đại hóa ngành công nghiệp khai thác, lọc và chế biến dầu lửa. Theo Bộ trưởng về dầu lửa của Iran, ông Bidshan Namdar Sanganeh, nước này có thể tăng sản lượng khai thác dầu lửa hàng ngày lên thêm 1 triệu thùng, tổng cộng là 3,8 triệu thùng - đủ để Iran lại trở thành một cường quốc dầu lửa mới trên thế giới. Thúc đẩy quan hệ kinh tế đối ngoại như thế và tăng thu nhập từ khai thác và xuất khẩu dầu lửa, Iran sẽ tăng đáng kể thế và lực về mọi phương diện. Tương quan lực lượng và cục diện quan hệ ở khu vực sẽ thay đổi cơ bản về mọi phương diện. Giá dầu lửa trên thị trường thế giới vì thế nhiều khả năng sẽ giảm chứ không tăng, càng không thể tăng nhanh và mạnh, nhưng đồng thời cũng sẽ không thể giảm đến mức thấp hơn như đã từng thấp nhất trong năm ngoái.