Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Cứu ngành mía đường khỏi nguy cơ bị bức tử] Bài cuối: Giải pháp tổng thể cho ngành mía đường

Bá Trường – Ngọc Huân – Tân Tiến (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung quanh những vấn đề của ngành mía đường, Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường (HHMĐ) Việt Nam Nguyễn Văn Lộc đã dành cho Kinh tế & Đô thị buổi trao đổi khá chi tiết để hiểu rõ hơn về bức tranh tổng thể cũng như đề xuất những giải pháp cho ngành này.

 Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường (HHMĐ) Việt Nam Nguyễn Văn Lộc.
Thưa ông, ngành mía đường đang đứng trước rất nhiều thách thức, một trong đó là ngành mía đường Việt Nam thiếu tính cạnh tranh, giá thành cao... ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi nghĩ đang có những đánh giá hết sức sai lầm về năng lực của ngành mía đường Việt Nam, trình độ sản xuất của người trồng mía Việt Nam. Tôi đã có vài chục năm làm việc trong ngành mía đường, đi khắp các quốc gia có ngành mía đường phát triển, tôi có điều kiện quan sát, đánh giá năng lực của ngành mía đường của nhiều quốc gia.
Theo tôi, mặc dù có những hạn chế về điều kiện đồng ruộng manh mún nhưng giá thành sản xuất mía ở Việt Nam hiện nay đang thấp nhất thế giới. Giá thành mía nguyên liệu hiện nay của Việt Nam là khoảng 800.000 đồng/ tấn. Trong khi đó, tại Thái Lan, giá thành mía nguyên liệu của họ hiện nay là 36 USD/tấn, tương đương 831.000 đồng. Trình độ canh tác mía của người trồng mía Việt Nam cũng thuộc vào loại giỏi nhất.
Tôi đã đưa nhiều đoàn khách nước ngoài đến tham quan tại một số vùng nguyên liệu, họ rất ngạc nhiên khi thấy nông dân Hậu Giang trong điều kiện đồng ruộng bị chia tách nhỏ lẻ, sông nước cách trở nhưng họ vẫn có thể canh tác mía với sản lượng lên đến 200 tấn/ha.
Một số vùng trồng mía ở Trung Quốc như Vân Nam, Quảng Tây, người nông dân chỉ việc sản xuất, nhà nước bao tiêu với giá 70 USD/tấn mía... tôi nói vậy để thấy rằng giá thành mía nguyên liệu ở Việt Nam thuộc vào loại thấp nhất thế giới.
Người nông dân trồng mía lâu nay vẫn sản xuất theo mô hình gia đình, lấy công làm lãi, họ không hạch toán công lao động của gia đình vào giá thành mía, chính vì vậy giá thành mía của chúng ta mới thấp như vậy.
 Sản xuất đường tại Nhà máy đường Việt Nam. Ảnh: Lam Thanh
Báo Kinh tế & Đô thị đã có một số chuyến khảo sát các vùng mía nguyên liệu chính ở Việt Nam, người trồng mía kêu than rất nhiều về tình trạng nhà máy đường (NMĐ) một mình một chợ, chèn ép bằng nhiều cách, trừ tạp chất quá cao, có nơi lên đến 10% hoặc là việc xác định chữ đường có dấu hiệu gian lận... Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào và kinh nghiệm quốc tế họ xử lý vấn đề này ra sao?
- Hiện nay ở Việt Nam, quan hệ giữa người trồng mía và NMĐ đang bị thả nổi cho người trồng mía và NMĐ. Tôi nghĩ, về vấn đề này cần có một bên thứ 3 để giám sát, giúp nhà máy và người trồng mía chia sẻ thu nhập lợi nhuận công bằng hơn.
Tại một số quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Phillippines họ có những quy định về chia sẻ nguồn lợi giữa NMĐ và người trồng mía, được đưa vào luật và bắt buộc phải thực hiện. Chẳng hạn ở Phillippines, lợi nhuận từ cây mía sẽ chia cho người trồng mía 70% và NMĐ là 30%. Ở Indonesia người trồng mía được hưởng 66% lợi nhuận từ cây mía.
Tôi nghĩ, ở Việt Nam cũng cần phải tiến đến hệ thống chia sẻ lợi nhuận giữa nhà máy và người trồng mía. Vấn đề lớn nhất hiện nay là Việt Nam không duy trì được mặt bằng giá đường hợp lý để các bên tham gia có thể sống được như cách Thái Lan, Indonesia và Phillippines làm được.
Theo số liệu của HHMĐ Việt Nam, diện tích mía nguyên liệu hiện nay đang có khoảng 200.000 ha, quy đường tương đương 1 triệu tấn, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước nhưng tại sao giá mía liên tục tụt giảm?
- Nhu cầu tiêu thụ đường nội địa Việt Nam mỗi năm khoảng 1,7 đến 1,8 triệu tấn. Chúng ta có quy hoạch 300.000 ha trồng mía, quy ra đường khoảng 1,5 triệu tấn. Nếu chúng ta giữ được chiến lược mía đường như quy hoạch thì Việt Nam có thể đảm bảo được mặt bằng giá mía, giá đường đủ để người nông dân có thể gắn bó với nghề trồng mía.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn đường nhập lậu khoảng 800.000 tấn/năm đường gian lận thương mại khoảng 200.000 tấn/năm chủ yếu xuất xứ từ Thái Lan thẩm lậu vào thị trường Việt Nam thông qua ngả Campuchia đã làm phá giá đường trong nước. Cũng nên nhớ rằng nguồn đường lậu từ Thái Lan vào thị trường Việt Nam là nguồn đường được bán dưới giá thành do có sự tài trợ của Chính phủ nước này nên mới có giá thấp như vậy.
Chính phủ Brazil cũng đã kiện Thái Lan lên tổ chức thương mại thế giới về vấn đề phá giá đường. Vì vấn nạn đường nhập lậu, đường gian lận thương mại, vài năm trở lại đây các NMĐ cố gắng cầm cự, nhưng nhiều nhà máy đã đóng cửa vì thua lỗ, cả triệu người nông dân vốn gắn bó với cây mía không thể sống với nghề...
Ngành đường Việt Nam đang bị bức tử bởi đường nhập lậu và đường gian lận thương mại, HHMĐ Việt Nam, các NMĐ, hội người trồng mía các tỉnh, thành đã kiến nghị rất nhiều nhưng dường như chưa có kết quả, theo ông giải pháp cấp bách là gì để có thể giúp ngành mía đường trụ lại trong giai đoạn khó khăn hiện nay?
- Vấn đề cấp bách hiện nay là Việt Nam cần tạm hoãn gia nhập ATIGA xóa bỏ hạn ngạch thuế quan. Ở một số quốc gia, để giữ ổn định cho các vùng khó khăn tập trung người trồng mía, khi đàm phán các hiệp định thương mại, vấn đề cây mía không được đưa vào để đàm phán, mục tiêu để giữ giá mía đường đủ cao để người nông dân có thể sống được. Một vài quốc gia họ gia nhập ATIGA nhưng họ vẫn có những thủ thuật để giữ giá đường trong nước ở mức hợp lý như Phillippines, Indonesia.
Một vấn đề cấp bách khác cũng cần phải làm quyết liệt đó là điều chỉnh lại hành lang pháp lý để siết lại vấn đề đường nhập lậu, đường tạm nhập tái xuất, đường tạm nhập sản xuất, xuất khẩu. Trước đây, trong một thời gian dài chúng ta đã làm rất tốt vấn đề chống nhập lậu nên giá đường trong nước được giữ ở một mức hợp lý.
Đường là mặt hàng cần thiết nhưng mức tiêu thụ trực tiếp của mỗi gia đình không đáng kể, nên việc giá đường có tăng cao hơn so với giá hiện nay cũng không ảnh hưởng nhiều đến người tiêu thụ. Giá đường thấp như hiện nay chỉ có lợi cho các nhà sản xuất bánh kẹo, nước giải khát trong khi đó cả triệu người nông dân, công nhân ngành mía đường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Xin cảm ơn ông!