Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cứu những trái tim trẻ thơ từ tay tử thần

Bài, ảnh: Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Suốt 15 năm qua, với trình độ tay nghề vững vàng, bác sĩ Đinh Xuân Huy - Phó trưởng Khoa Phẫu thuật Tim trẻ em, Bệnh viện (BV) Tim Hà Nội đã cứu chữa thành công nhiều ca bệnh phức tạp, hiểm nghèo, mang lại cho các em nhỏ trái tim khỏe mạnh.

Điều kỳ diệu đã xảy ra
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với bác sĩ Đinh Xuân Huy diễn ra khi ông vừa thực hiện xong ca phẫu thuật thứ nhất, chuẩn bị vào ca phẫu thuật thứ hai. Nếu không có trường hợp cấp cứu, theo lịch ngày hôm đó, bác sĩ Huy có 2 ca phẫu thuật tim.
Còn nếu có tình huống bất ngờ, những ca mổ phức tạp, việc phẫu thuật có thể kéo đến 21 - 22 giờ, thậm chí nửa đêm… Đó là công việc trong suốt 15 năm qua của bác sĩ Huy - một trong 3 phẫu thuật viên đầu tiên của BV Tim Hà Nội.
 Bác sĩ Đinh Xuân Huy (bên trái) cùng kíp mổ thực hiện ca phẫu thuật tim.
Có nhiều trường hợp bệnh nhân phức tạp, khó đến mức một số BV khác đã “trả về”, BV Tim Hà Nội có trang thiết bị kỹ thuật hỗ trợ tương đối đầy đủ lại “nhận” với hy vọng “còn nước còn tát”. Vậy mà sau nhiều giờ đồng hồ giành giật sự sống từ tay tử thần, bác sĩ Huy cùng kíp mổ đã thành công.
Gần đây nhất, trong khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10/2018, bác sĩ Đinh Xuân Huy cùng kíp phẫu thuật đã thực hiện ca phẫu thuật cho bé Trần Gia Lộc. Trường hợp của bé Lộc rất đặc biệt và hy hữu trong lịch sử y khoa, bởi bé vừa mới sinh được một giờ đồng hồ, nặng 2,9kg nhưng đã được chẩn đoán từ trước sinh bị bệnh tim bẩm sinh nặng, nếu không phẫu thuật ngay thì có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Thông thường, để tiến hành phẫu thuật sẽ phải chờ trẻ đã qua giai đoạn sơ sinh, tức là sau 7 ngày tuổi. Bởi vì trong giai đoạn này, các chức năng như phổi, thận, gan, thần kinh, bài tiết… còn quá non, chưa được hoàn thiện.
“Một đứa trẻ khỏe mạnh giai đoạn sơ sinh đó còn dễ gặp sự cố huống hồ đứa trẻ bị tim bẩm sinh, nhất là khi đặt cháu vào trường hợp phải làm một cuộc đại phẫu, phần trăm thất bại sẽ rất lớn nếu mình quyết tâm mổ trong những giờ đầu tiên. Đó là một thử thách cho phẫu thuật viên, phải đảm bảo thật đúng, chính xác, không được phép sơ suất” - bác sĩ Đinh Xuân Huy chia sẻ.
Trước đó, BS Huy cũng đã mổ rất nhiều trường hợp những bé vài ba ngày tuổi, mười mấy ngày tuổi, nhưng trường hợp có vài giờ tuổi như bé Gia Lộc thì là lần đầu. Hiện nay bé Gia Lộc đã sống khỏe mạnh, bác sĩ Huy cùng kíp mổ đã làm nên điều kỳ diệu!
Thời gian là của người bệnh
Trước đó, còn nhiều trường hợp khó khăn hơn rất nhiều được bác sĩ Huy phẫu thuật. Có những cháu bé có các bệnh phức tạp, dù đã mổ xong xuôi nhưng sau đấy do cơ thể cháu không thích nghi nên phải làm lại.
Từ sáng hôm trước đến 3 hay 4 giờ sáng hôm sau, tính ra, cuộc mổ kéo dài đến mười mấy tiếng đồng hồ. Có những trường hợp phức tạp đến mức phải gọi điện hình ảnh (videocall) cùng các giáo sư trong và ngoài nước để góp ý trực tiếp cho ca mổ…
Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội từ năm 1994, phải học và thực tập đến 11 năm sau, BS Huy mới trở thành phẫu thuật viên chính của BV Tim Hà Nội. Ông cho rằng, điều thú vị nhất ở công việc này là cái khó của mỗi ca mổ nó đều có sự khác nhau nên khi vượt qua coi như đã tự vượt qua được một thử thách, thêm một trải nghiệm mới.
Điểm giống nhau của bác sĩ ngoại khoa là phải thật quyết đoán, chính xác, nếu sai thì sẽ gây chết người. Nhưng riêng với phẫu thuật viên tim, họ vừa là bác sĩ nội khoa, vừa là bác sĩ hồi sức, bắt buộc kiến thức phải rộng, giúp cho mình tiên lượng được những diễn biến sau mổ, đưa ra các phương án đúng nhất trong lúc mổ.
Với những thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn, năm 2018, bác sĩ Đinh Xuân Huy đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen. Nhưng với bác sĩ Huy cũng như tập thể cán bộ, bác sĩ BV Tim Hà Nội, chẳng phần thưởng nào lớn và giá trị bằng những trái tim khỏe mạnh, bình thường của các bệnh nhi, để chào đón một tương lai tươi đẹp ở phía trước.