KTĐT - Xuất hiện trong khoảng ba năm trở lại đây, hai loài cá có tên “Hồng kén hoa” và “Tài phát hoa” được giới chơi cá cảnh rất ưa chuộng bởi nó là loại cá duy nhất có hình xăm từ trước đến nay. Những hình xăm này được xăm trên vẩy cá, tập trung chủ yếu ở hai bên phần thân.
Hiện nay, trong một số cửa hàng bán cá cảnh của Hà Nội có bán hai loại cá cảnh có hoa văn rất độc đáo.
Những loại cá này được bán nhiều nhất ở phố Hàng Đậu, Hoàng Hoa Thám… Theo như lời quảng cáo của nhiều chủ cửa hàng thì những hoa văn được xăm bằng công nghệ lazer của Trung Quốc nên sẽ không bao giờ bị phai, mờ. Tuy nhiên, thực tế là hiện trên thị trường, nhất là ở các xe bán cá cảnh dạo còn trôi nổi cả loại cá cảnh được xăm theo công nghệ Việt Nam. Những loại cá cảnh này khi mua về nuôi được một thời gian thì bị chết hoặc bị phai mờ màu sắc ban đầu, hình xăm cũng tự dưng biến mất.
Từ xăm kiểu hiện đại
Xuất hiện trong khoảng ba năm trở lại đây, hai loài cá có tên “Hồng kén hoa” và “Tài phát hoa” được giới chơi cá cảnh rất ưa chuộng bởi nó là loại cá duy nhất có hình xăm từ trước đến nay. Những hình xăm này được xăm trên vẩy cá, tập trung chủ yếu ở hai bên phần thân.
Theo ông chủ tiệm cá cảnh Ngọc Thắng ở phố Hàng Đậu thì loài cá này bình thường có màu hồng hoặc hơi phớt vàng, sống rất khỏe và sinh trưởng tốt. Khi mới sinh chúng cũng bình thường như những loại cá cảnh nước ngọt khác, không có hoa văn lạ mắt. Nhưng với kỹ thuật lazer công nghệ cao người ta có thể xăm lên mình cá nhiều hình dạng ngộ nghĩnh như: hình ka rô, hình hoa hồng, hình chữ song hỷ, tài lộc, thịnh vượng... Vì thế người ta gắn thêm đuôi “hoa” cho chúng để phân biệt với các loại cá cảnh khác.
Giá mỗi cặp cá “hồng kén hoa” lúc mới có mặt trên thị trường được rao bán với giá 150.000 đến 200.000 đồng trên một đôi, nay giá giảm xuống còn 150.000 đến 170.000 đồng/đôi. Còn cá tài phát hoa lúc đầu có giá 200.000 đến 230.000 đồng/đôi, nay giao động trong khoảng từ 180.000 đến 200.000 đồng/đôi.
Theo tiết lộ của một số chủ cửa hàng bán cá cảnh trên phố Hàng Đậu, Thái Thịnh, làng Yên Phụ... thì những con cá xăm này được nhập về từ Trung Quốc do ở Trung Quốc mới có công nghệ xăm lazer trên vẩy cá nên “chất lượng rất đảm bảo, cá càng to hình xăm càng lớn, càng đẹp”. Thậm chí, chủ cửa hàng bán cá cảnh, thủy sinh Thanh Tùng còn một mực khẳng định: “Cá rất dễ sống, dễ nuôi và hình xăm theo công nghệ cao nên không bao giờ bị phai màu, mờ hình. Chúng tôi bán cá có bảo hành hẳn hoi chứ không đùa. Nếu cá bị phai màu cứ mang đến đây chúng tôi sẽ nhận lại...”.
Tuy nhiên theo chị Thúy Hồng, chủ cửa hàng cá cảnh 598 Hoàng Hoa Thám thì loại cá này được “nhập về” từ... Sài Gòn. Số lượng người mua loại cá này cách đây một năm là tương đối lớn vì nó lạ mắt, nhất là vào các dịp Tết.
Trong khi chủ các cửa hàng cá cảnh nhất quyết rằng loại cá này không bao giờ bị mờ hình xăm thì nhạc sỹ Anh Quân – người chơi loại cá này từ những ngày nó mới có mặt trên thị trường cho biết là sau khi nuôi một thời gian, không chỉ hình xăm bị mờ mà ngay cả màu hồng phớt rất đẹp của cá cũng bị bay hết, trơ lại một màu trắng phớ “nguyên thủy”.
Nhạc sỹ Anh Quân kể, năm 2006 anh đi qua phố Hàng Đậu thấy người ta bày bán nhiều loại cá rất đẹp nên ghé vào. Chủ quán giới thiệu cho anh hai loại cá có xăm hình hoa hồng và ka rô trên thân mình, trông rất lạ và đẹp. Anh không còn nhớ mức giá lúc đó là bao nhiêu tiền một đôi nhưng thấy rất nhiều người cùng mua loại cá như anh. Tuy nhiên, mua về nuôi được một thời gian, cá thì vẫn sống và phát triển bình thường nhưng hình xăm thì mờ dần. Càng lâu màu sắc đẹp đẽ của cá bay đi hết, chỉ còn lại là một màu trắng phớ rất xấu.
Anh Tạ Kim Tính ở 412/36 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy cũng lâm vào hoàn cảnh không khác nhạc sỹ Anh Quân. Anh cho biết: “Cách đây 8 tháng, theo lời giới thiệu của một chủ cửa hàng cá cảnh trên đường Hoàng Hoa Thám tôi mua bốn đôi cá 'hồng kén hoa' và 'tài phát hoa' nhưng về nuôi được đúng gần 3 tháng thì hình xăm bắt đầu mờ dần. Đến tháng thứ tư thì hình xăm biến mất dù cá vẫn lớn phổng bình thường”. Cũng theo lời anh Tính thì đa số người mới bắt đầu tập chơi cá cảnh như anh đều bị “lừa” ngoạn mục như thế. Nhiều người mua cá với số lượng lớn nhưng về nuôi được một thời gian thì cá vừa bị chết, vừa bị biến dạng trông rất xấu xí.
Đến xăm “made in Yên Phụ”
Nuôi một thời gian những con cá này sẽ bị mất hình xăm, mờ màu đặc trưng. |
Nguyễn Tuấn Anh – thành viên câu lạc bộ cá cảnh Hà Nội cho biết, mốt xăm cho cá cảnh bắt nguồn từ Trung Quốc vào năm 2005. Lúc đó ở Trung Quốc rộ lên phong trào xăm hình cho cá và được rất nhiều người ưa thích. Một con cá vẹt bình thường bán với giá 1,5 USD (10 tệ) trong khi một con được xăm có thể được với giá 3,7 USD (25 tệ). Một bộ 4 con cá ghép thành các chữ: Giàu có, May mắn, Trường thọ, Hạnh phúc, giá khoảng 17,6 USD. Loại cá này bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ đầu năm 2006 và thời đó công nghệ xăm này chỉ có Trung Quốc mới làm được.
Tuy nhiên, cho đến cuối năm 2007 trên thị trường đã bắt đầu có bán một số loại cá xăm “made in Việt Nam” do các chủ đầu nậu phân phối cá cảnh ở khu vực Yên Phụ, Hà Nội tự mua máy về xăm để bán. Những con cá này, dù giống thì vẫn được nhập từ Trung Quốc về nhưng do kỹ thuật xăm chưa cao nên nhìn kỹ thì có thể thấy hoa văn không đồng đều, hình xăm không tròn và sắc nét như của Trung Quốc. Đặc biệt khi mua về nuôi thì tuổi thọ ít. Thường mua về nuôi được một, hai ngày cá đã bị nấm và khoảng ba, bốn ngày sau là cá chết.
“Do thời đó các chủ phân phối cá cảnh dùng kim tiêm bơm mực để xăm lên mình cá nên sau một vài ngày mua về, chỗ có hình xăm sẽ nổi những đốm trắng, lở loét, cá lờ đờ không muốn bơi, ăn ít... chính là biểu hiện của nấm và chỉ tối đa một tuần sau là cá chết” – Tuấn Anh cho biết. Dù xét về giá tiền của hai loại cá này so với những loại cá cảnh khác là không lớn, tuy nhiên việc “lừa đảo” này đã gây nên rất nhiều bức xúc cho người chơi cá.
Cá được xăm nhiều hình dạng ngộ nghĩnh như: hình ka rô, hình hoa hồng, hình chữ song hỷ, tài lộc, thịnh vượng... |
Một số thành viên Hội Thủy sinh Hà Nội còn cho biết, những loại cá màu như cá “hồng kén”, cá “tài phát”... ở Trung Quốc được nuôi dưỡng bằng một loại thức ăn có thể tạo ra màu sắc đặc trưng nên khi mới mua về cá thường có màu sắc rất đẹp. Nhưng sau một thời gian cho ăn bằng thức ăn bình thường thì cá dần bị mất màu và trở lại màu sắc vốn có của nó. Cũng theo các thành viên này thì 90% cá cảnh được bày bán trên thị trường Việt Nam hiện nay được nhập khẩu về từ Trung Quốc. Riêng loại cá xăm “made in Việt Nam” hiện nay vẫn còn trôi nổi trên thị trường nhưng không nhiều, chủ yếu là ở các hàng bán cá cảnh dạo.