Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đa dạng chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị không chỉ yêu cầu khách quan mà còn là định hướng quan trọng. Làm thế nào doanh nghiệp tận dụng được sự dịch chuyển, nâng cao sự cạnh tranh là vấn đề cần quan tâm.

Diễn đàn có nhiều chia sẻ giải pháp, kinh nghiệm để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chiều 26/6, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn kinh doanh 2024 với chủ đề “Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp”.

Vẫn còn khó khăn

Diễn đàn nhằm góp phần nhận diện các xu hướng đem lại nhiều cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam; tận dụng được cơ hội và giải quyết được thách thức sẽ thúc đẩy nền kinh tế thích ứng nhanh chóng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ toàn cầu, đồng thời phát triển theo hướng bền vững, xanh và thân thiện với môi trường.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng. Ảnh: Khắc Kiên
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng. Ảnh: Khắc Kiên

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhận định, đa dạng chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị không chỉ yêu cầu khách quan mà còn là định hướng quan trọng của Đảng, Chính phủ. Với tham vọng vươn lên trong chuỗi giá trị, Việt Nam có cơ hội đặc thù để khai thác vị trí của mình trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Mục tiêu của Chính phủ là phát triển các mạng lưới nhà cung cấp cấp một (trực tiếp) và nhà cung cấp cấp hai, cấp ba (cung cấp gián tiếp cho nhà sản xuất) trong nước, kết nối với các khâu lắp ráp cuối cùng với kỳ vọng hướng các doanh nghiệp chuyển sang sản xuất sản phẩm phức tạp hơn và đa dạng hóa “giỏ” hàng hóa xuất khẩu.

Sản xuất linh kiện tại nhà máy của VNPT Technology. Ảnh: Khắc Kiên
Sản xuất linh kiện tại nhà máy của VNPT Technology. Ảnh: Khắc Kiên

Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công thương (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Hội, 5 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế ghi nhận bước tăng trưởng ấn tượng. Tình hình sản xuất công nghiệp phát triển mạnh, trong đó, chế biến chế tạo tăng 10,6%, sản xuất công nghiệp và phân phối điện tăng 11,4%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,4%. Trong khi đó, Khai khoáng giảm 9,4%.

“Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ trong 5 tháng đầu năm, tăng lĩnh vực cần tăng, giảm lĩnh vực cần giảm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều tăng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 16,6%, đây là mức tăng cao, thậm chí tăng mạnh mẽ so với các nước trong khu vực”- ông Nguyễn Văn Hội nói.

Tuy nhiên, thương mại Việt Nam cũng gặp một số thách thức. Mặc dù chuỗi cung ứng đã dần được tái cấu trúc, nhưng thực tế đa số các doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Theo số liệu của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng.

Việc ứng dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là thương mại điện tử vẫn chưa được tận dụng triệt để khiến các mô hình kinh doanh xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận chậm với thị trường tiêu thụ, quá trình thông thương hàng hóa chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu.

"Còn một số khó khăn trong quá trình thực thi, như nhận thức, tư duy, cách nghĩ, tầm nhìn của các nhà làm chính sách. Thiếu minh bạch và bình đẳng, thiếu tính ổn định, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu chặt chẽ..." - ông Hội cũng thẳng thắn.

Gỡ rào cản

Từ thực tế, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ đã ban hành một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 đã và đang được triển khai quyết liệt nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp… nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa kinh tế - xã hội phát triển.

"Trong thời gian tới, chính sách hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải là những người đặt ra nhu cầu trước, sau đó Chính phủ thiết kế chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn mạnh, tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước ở những ngành quan trọng có tiềm năng liên kết lớn"- ông Hoàng Quang Phòng nói.

Thực tế cho thấy, tạo điều kiện thuận lợi và có các giải pháp tập trung tháo gỡ “rào cản” kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới; tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi và tuyên truyền, hướng dẫn về quy tắc xuất xứ và cấp C/O, tự chứng nhận xuất xứ… Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, góp phần giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam…

Tự thân nỗ lực nhưng doanh nghiệp cũng cần môi trường kinh doanh thuận lợi để tham gia vào chuỗi. Ảnh: Khắc Kiên
Tự thân nỗ lực nhưng doanh nghiệp cũng cần môi trường kinh doanh thuận lợi để tham gia vào chuỗi. Ảnh: Khắc Kiên

Hiện nổi bật là xu hướng chuyển dịch của chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã, đang có các hành động cụ thể để thay đổi cơ cấu chuỗi cung ứng, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình mới thông qua việc ứng dụng ứng dụng các thành tựu vượt bậc của công nghệ số. Những thay đổi này góp phần phát triển bền vững các chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng thích ứng trước những biến động lớn của kinh tế thế giới và khu vực.

Trong sự chuyển dịch diễn ra mạnh mẽ đó, Việt Nam được nhiều quốc gia, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên toàn cầu lựa chọn là một trong những điểm đến đầu tư chiến lược và nhiều tiềm năng. Đây chính là thời điểm lịch sử mang đến cơ hội lớn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp nhận dòng vốn đầu tư, công nghệ để trở thành mắt xích trong những chuỗi cung ứng đang bị thiếu hụt trên toàn cầu. 

 

Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong khoảng 800.000 doanh nghiệp tư nhân trong nước đang hoạt động, doanh nghiệp lớn chiếm chưa đến 2%, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vấn đề chính với các khu vực này là thiếu kỹ năng quản lý, ít đổi mới công nghệ, khả năng tiếp cận tài chính còn rất nhiều hạn chế.