Đa dạng phương thức xét tuyển 2023 của 3 trường thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – 3 trường trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội gồm: Trường ĐH Kinh tế, trường Quốc tế và trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn vừa công bố phương án tuyển sinh ĐH chính quy năm 2023, trong đó có nhiều điểm lưu ý về các phương thức xét tuyển.

Sinh viên trường ĐH Kinh tế- ĐH Quốc gia Hà Nội (Ảnh: FBNT)
Sinh viên trường ĐH Kinh tế- ĐH Quốc gia Hà Nội (Ảnh: FBNT)

Năm 2023, trường ĐH Kinh tế- ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển 2.370 sinh viên với 9 ngành đào tạo; trong đó có 2.020 chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy do trường ĐH Kinh tế cấp bằng; 350 chỉ tiêu đại học chính quy do đối tác nước ngoài cấp bằng.

Với các chương trình đào tạo do trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội cấp bằng dự kiến xét tuyển theo 11 phương thức: Xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023, xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực (ĐGNL) học sinh bậc THPT do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2023, xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS/TOEFL iBT) kết hợp kết quả học bậc THPT và kết hợp phỏng vấn, xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS/TOEFL iBT) kết hợp kết quả 2 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Ngoài ra, trường còn xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội, ưu tiên xét tuyển (Theo Quy chế của Bộ GD&ĐT và theo Quy định của ĐHQuốc gia Hà Nội), xét tuyển chứng chỉ quốc tế khác (SAT; ACT; A-Level), xét tuyển thí sinh thuộc các trường dự bị đại học, xét tuyển sinh viên quốc tế và xét tuyển ngành Quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thể thao.

Với các chương trình đào tạo đại học chính quy do đối tác nước ngoài cấp bằng sẽ được xét tuyển theo 1 trong 3 phương thức: Xét tuyển thẳng, xét kết quả học bạ THPT và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 hoặc kết quả thi ĐGNL do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Trường Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tổng chỉ tiêu tuyển sinh 15 ngành đào tạo ĐH năm 2023 là 1.760 chỉ tiêu; trong đó có 1.400 chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy do ĐH Quốc gia Hà Nội cấp bằng; 360 chỉ tiêu đại học chính quy do đối tác nước ngoài cấp bằng.

Sinh viên trường Quốc tế- ĐH Quốc gia Hà Nội tại giảng đường (Ảnh: FBNT)
Sinh viên trường Quốc tế- ĐH Quốc gia Hà Nội tại giảng đường (Ảnh: FBNT)

Các ngành đào tạo đại học chính quy do ĐHQGHN cấp bằng gồm: Kinh doanh Quốc tế – mã ngành QHQ01; Kế toán, Phân tích và Kiểm toán – QHQ02; Hệ thống thông tin quản lý – QHQ03; Tin học và Kỹ thuật máy tính – QHQ04; Phân tích dữ liệu kinh doanh – QHQ05; Tự động hóa và Tin học – QHQ08; Ngôn ngữ Anh (chuyên sâu Kinh doanh và Công nghệ thông tin) – QHQ09; Công nghệ thông tin ứng dụng – QHQ10; Công nghệ tài chính và Kinh doanh số – QHQ11; Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Logistics – QHQ12.

Các ngành đào tạo đại học chính quy do ĐH Quốc gia Hà Nội và đối tác nước ngoài cùng cấp bằng gồm: Marketing (do ĐH Quốc gia Hà Nội và trường ĐH HELP – Malaysia cùng cấp bằng) – QHQ06; Quản lý (do ĐH Quốc gia Hà Nội và trường Đại học Keuka – Hoa Kỳ cùng cấp bằng) – QHQ07;

Các ngành đào tạo đại học chính quy do đối tác nước ngoài cấp bằng: Quản lý (do ĐH Keuka – Hoa Kỳ cấp bằng); Kế toán và Tài chính (do ĐH East London – Vương Quốc Anh cấp bằng); Quản trị Khách sạn, Thể thao và Du lịch (do ĐH Troy – Hoa Kỳ cấp bằng).

Các chương trình đào tạo do ĐH Quốc gia Hà Nội cấp bằng/Song bằng được dự kiến xét tuyển theo 1 trong 5 phương thức: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT và quy định của ĐH Quốc gia Hà Nội, xét tuyển điểm thi ĐGNL (HSA) do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức, xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp và xét tuyển khác: Xét kết quả A-Level; SAT; ACT; IB (bằng Tú tài quốc tế International Baccalaureate).

Tương tự, các chương trình đào tạo đại học chính quy do đối tác nước ngoài cấp bằng sẽ được xét tuyển theo 1 trong 5 phương thức sau: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT và quy định của ĐH Quốc gia Hà Nội, xét tuyển thẳng theo quy định của trường Quốc tế , xét kết quả học bạ THPT, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023; xét tuyển khác: Xét kết quả A-Level; SAT; ACT; IB (bằng Tú tài quốc tế International Baccalaureate).

Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng công bố 5 phương thức tuyển sinh 2023. Theo đó, trường xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và ĐH Quốc gia Hà Nội; kết quả thi ĐGNL (HSA); xét chứng chỉ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Hiện, trường Quốc tế và trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chưa công bố chỉ tiêu từng ngành và tỷ lệ chỉ tiêu của mỗi phương thức.