Một thời gian dài chúng ta “bỏ bê” việc giành lại không gian vỉa hè cho người đi bộ. Theo ông, đó là sự cố tình hay vô tình?
- Có cả lý do chủ quan và khách quan. Sau đổi mới, một cuộc đại chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ và sự tăng trưởng rõ nét của khu vực phi chính thức. Kinh tế hè phố bắt đầu từ những hạt nhân kinh tế nhỏ lẻ vùng nông thôn. Từ những quang gánh, trở thành quán nhỏ lề đường - nét sinh hoạt quen thuộc trong đô thị Việt Nam. Vô hình trung kéo theo hiện tượng lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè để thực hiện mục tiêu riêng, sử dụng lấn át không gian dành cho người đi bộ là những tồn tại.
Về chủ quan, do chính quyền buông lỏng quản lý trong rất nhiều năm. Nắm trong tay pháp luật nhưng một số cán bộ lại gián tiếp dung túng cho một bộ phận người dân ngang nhiên coi phần diện tích vỉa hè là của riêng. Không phải ngẫu nhiên mà cứ bàn đến việc ra quân lập lại trật tự vỉa hè lại được ví với “bắt cóc bỏ đĩa”. Đó là một thực tế, thực tế của “văn hóa phong bì”, văn hóa “lợi ích nhóm” của người thực thi pháp luật và kiểm tra việc thực thi pháp luật.
Nghĩa là động thái dùng mọi biện pháp hành chính để làm sạch vỉa hè “tận gốc” lần này là tích cực?
- Chính xác. Rất đúng và rất nên làm từ lâu. Nhưng dù sao muộn còn hơn không. Tôi hoàn toàn ủng hộ thái độ thẳng thắn nêu rõ hiện tượng công an, Chủ tịch, Bí thư các quận, phường có “bảo kê” đứng sau quán bia vỉa hè, các bãi giữ xe, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường Hà Nội mới đây của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Một khi người đứng đầu TP đã chỉ ra được căn nguyên trầm kha của “nguồn bệnh” lấn chiếm vỉa hè thì việc lập lại trật tự đô thị sẽ giành được những kết quả nhất định. Cũng như đại đa số người dân, tôi đồng tình với động thái cương quyết của Chủ tịch UBND TP Hà Nội: “Tôi đề nghị các đồng chí lần này làm phải cương quyết, phải bền vững. Hà Nội tôi xin nói là không ồn ào. Các đồng chí cứ ồn ào, cứ ra quân nghe có vẻ nhưng xuống các đơn vị không khéo lại làm ùn tắc thêm đường”.
Vậy làm sao để hài hòa được lợi ích giữa “những gánh hàng rong” mưu sinh trên vỉa hè với quy hoạch không gian công cộng phục vụ cho sự phát triển của TP?
- Những mâu thuẫn trong việc sử dụng vỉa hè là một vấn đề có thực, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Vấn đề này cần phải được giải quyết thỏa đáng, bởi có thể “sau gánh hàng rong là cả một gia đình”. Nếu chúng ta chỉ đơn giản đuổi họ ra khỏi vỉa hè thì chẳng qua là đẩy vấn đề từ chỗ nọ sang chỗ kia, hoặc tệ hơn là tạo ra nguồn gốc bất ổn xã hội.
Chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước thực tế: một lượng lớn những người lao động nghèo đang kiếm sống trên đường phố. Do đó, câu hỏi làm thế nào tận dụng vỉa hè để vừa tạo điều kiện cho những người buôn bán nhỏ kiếm sống, vừa đảm bảo được không gian đi bộ, mỹ quan đô thị và các hoạt động văn hóa - cộng đồng mới là câu hỏi được đặt ra trong công tác quản lý vỉa hè của Hà Nội. Chúng ta có thể học tập Singapore mở phố ẩm thực vỉa hè, chính quyền Thái Lan cấm hàng rong hoạt động giờ cao điểm, hay hàng quán tại Pháp chỉ được bày bàn ghế gọn trong phần mái hiên đã quy định. Từ đó, tập trung khảo sát diện rộng hoạt động vỉa hè trên mỗi tuyến phố, đặc biệt là khu vực “lõi” trung tâm. Dựa trên kết quả khảo sát được mà bố trí tuyến phố vỉa hè nào đủ tiêu chuẩn đa chức năng: đi bộ, bán hàng, để xe máy, xe đạp. Tuyến phố vỉa hè nào được quyền bán hàng rong vào thời điểm, giờ nào trong ngày. Hay tuyến phố vỉa hè chỉ dành cho đi bộ và xe máy.
Xe ô tô đỗ lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ trước Cục Nghệ thuật biểu diễn số 32 phố Nguyễn Thái Học chiều 12/3. Ảnh: Thanh Hải |
Về vấn đề dừng, đỗ xe, Hà Nội đã từng đưa ra thời gian đến năm bao nhiêu đó sẽ giảm phương tiện cá nhân. Đó cũng là cái gốc của lập lại trật tự đô thị. Bài toán lúc này là chúng ta đừng lấy cái nọ ra ép cái kia mà phải có giải pháp đồng bộ. Ít nhất là khu phố cổ, phố cũ phải hạn chế xe máy để người mua – kẻ bán có thể đi bộ. Lúc đó trả lời được câu hỏi để phương tiện cá nhân ở đâu. Hoặc là ô tô nhập vào Việt Nam tràn lan thì phải đưa ra chính sách ai có chỗ để xe mới được mua. Tự khắc, làm giảm áp lực về không gian giao thông tĩnh cho Hà Nội, tạo cơ sở thiết lập lại đô thị, trong đó có vỉa hè.
Theo một số chuyên gia, nếu chúng ta thấy sự “hỗn tạp” trên không gian vỉa hè thì khách Tây lại khá thích thú với sự lộn xộn “đáng yêu” này. Nghe có vẻ mâu thuẫn, thưa ông?
- Sự thật mà nói cách thức đỗ xe, tổ chức bán hàng trên các tuyến phố Hà Nội thể hiện bộ mặt của một đô thị nông nghiệp. Tất nhiên, nó có những cái “đáng yêu” không thể phủ nhận. Nhiều nước phát triển ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan , Malaysia … tại một số khu phố hiện nay vẫn bán hàng rong, người dân vẫn “cởi trần, mặc quần đùi” ngồi café trò chuyện… Đối với nhiều khách nước ngoài đó là những trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng gần gũi, hòa vào nhau thân thiện. Dù vậy, cái gì “quá” cũng không nên. Thủ đô các nước công nghiệp tuyệt đối không có câu chuyện “phình” việc bày bán trên vỉa hè “lấn át” cả không gian đi bộ. Chúng ta vẫn có thể dành một chút không gian cho sự lộn xộn “đáng yêu” vốn có của cuộc sống nhưng phải trong giới hạn nhất định, không thể tùy tiện như trước.
Để duy trì được trật tự vỉa hè đã được “thiết lập” lại, sự thắt chặt quản lý từ cấp phường, xã cho đến quận, huyện đóng vai trò như thế nào, thưa ông?
- Quan trọng và then chốt. Tất cả những việc này là trách nhiệm của UBND cấp phường, trị trấn ở các đô thị. Pháp luật đã quy định rõ ràng rồi. Cấp trên đi kiểm tra việc giữ trật tự đô thị của phường đã làm tốt chưa. Từ đó, có hình thức khen thưởng, xử phạt đàng hoàng. Phường nào làm không tốt cách chức, phường nào hoàn thành thì khen thưởng. Câu chuyện đơn giản như vậy thôi mà.
Xin cảm ơn ông!