Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đã đến lúc lợi nhuận phải song hành với lợi ích người lao động

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại một hội thảo gần đây nhất do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB & XH) tổ chức để lấy ý kiến các bộ, ngành và DN khu vực phía Bắc về phương án điều chỉnh lương tối thiểu năm 2010,

KTĐT - Tại một hội thảo gần đây nhất do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB & XH) tổ chức để lấy ý kiến các bộ, ngành và DN khu vực phía Bắc về phương án điều chỉnh lương tối thiểu năm 2010, thì doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài được đề xuất tăng từ 1.200.000 đồng lên 1.320.000 đồng (vùng 1); từ 1.080.000 đồng lên 1.180.000 đồng (vùng 2); từ 950.000 đồng lên 1.040.000 đồng (vùng 3); từ 920.000 đồng lên 1.000.000 đồng (vùng 4).

Mức tăng trên là không lớn, chỉ 9-11% so với mức lương trước. Thế nhưng, các DN có vốn đầu tư nước ngoài đã “giãy nảy” và than: Mức tăng quá cao như vậy sẽ làm đội lên chi phí đầu vào và gây khó khăn cho DN. Họ kiến nghị trong năm 2010, lương tối thiểu khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài chỉ nên tăng 7% .

Ông Đặng Quang Điều, Phó ban Kinh tế - Chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh rằng, dù điều chỉnh lương trong các DN có vốn đầu tư nước ngoài theo mức tăng 9-11% thì người lao động vẫn chịu rất nhiều thiệt thòi. “Đơn giản, năng suất lao động DN có vốn đầu tư nước ngoài luôn cao gấp 3 lần DN trong nước và gấp 4 lần khu vực DN dân doanh. Nếu điều chỉnh mức lương như trên, có nghĩa là trả lương không theo năng suất lao động”, ông Điều nói. Vị phó ban này cũng đưa ra cảnh báo, có hơn 70% cuộc đình công xảy ra trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và có đến 90% số vụ liên quan đến tiền lương.

Ngoài đồng lương eo hẹp còn phải nói đến tình trạng nhiều DN “quên”  việc lo lắng cho đời sống, quyền lợi của người lao động. Theo số liệu điều tra mới đây tại 110 DN trên địa bàn một tỉnh phía bắc đã có đến 37 DN chậm nộp bảo hiểm xã hội với số tiền lên đến trên 15,6 tỷ đồng.

Chủ tịch công đoàn một công ty có vốn đầu tư nước ngoài ngao ngán cho biết, hiện công ty đang áp dụng hình thức “tự bảo hiểm”, nghĩa là người lao động khi đau ốm, thai sản thì làm thủ tục thanh toán với công ty. Tuy nhiên từ đầu năm 2007 đến nay, các hóa đơn này vẫn còn đang nằm... chờ thanh toán. Hiện có những lao động đã nghỉ việc ở công ty từ năm 2003, đến nay vẫn chưa được chốt sổ bảo hiểm vì lý do trên.

Nếu không giải quyết tốt các vấn đề trên thì một trong những tiêu chí mà khi DN có vốn đầu tư nước ngoài quyết định đầu tư vào Việt Nam là nguồn nhân công rẻ sẽ không phát huy tác dụng. Tuy nhiên, các DN này cũng phải thay đổi lại chính sách sử dụng lao động sao cho hợp lý và khôn ngoan hơn nếu không muốn tình hình sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Đơn giản vì hiện nay người lao động Việt Nam đã có ý thức pháp luật cao hơn và  hệ thống chính sách cũng chặt chẽ hơn.

Trong khi nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động, đặc biệt ở các khu công nghiệp (căng thẳng nhất là ngành may mặc, chế biến hạt điều, chế biến thủy sản) mà nguyên nhân hết sức đơn giản vì đồng lương mà các DN này trả không bõ bèn gì so với sức lao động mà người lao động bỏ ra thì một chiến lược về thu hút, giữ chân lao động cũng cần được tính đến. Đã đến lúc DN có vốn đầu tư nước ngoài không chỉ tập trung cho việc tăng lợi nhuận mà quên đi lợi ích người lao động, quên đi trách nhiệm xã hội của DN mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới.