Song như nhiều người trong giới nhìn nhận, với đề tài hiện đại, người làm sân khấu “đã đi nhưng chưa tới”.
Diễn lại thời cuộc
Lật giở lại “hồ sơ” sân khấu thời gian gần đây, người ta có thể kể tên không ít sản phẩm được cho là khá thành công: “Tai biến”, “Lâu đài cát”, “Dư chấn”, “Những mặt người thấp thoáng”… Mà như nhận định của PGS.TS Trần Trí Trắc tại hội thảo “Sân khấu Thủ đô với đề tài hiện đại” diễn ra mới đây, đề tài hiện đại được thể hiện trên sân khấu Thủ đô những năm gần đây thường nói đến các tệ nạn “nóng” trong xã hội như tham nhũng, hối lộ, chạy chức chạy quyền… với những mâu thuẫn đan xen, phức tạp, kể cả nơi công sở, ngoài xã hội lẫn trong “tế bào của xã hội” là gia đình. Tuy nhiên, đó chỉ là vài nét chấm phá mà gom lại cũng chưa thể hiện hết được những gam màu của bức tranh về công cuộc đổi mới của Thủ đô và đất nước – mảng đề tài mà lẽ ra “rất đáng” để có những tác phẩm đỉnh cao.
Thậm chí khi “điểm danh” những tác phẩm được cho là thành công của sân khấu đương đại, người tâm huyết vẫn có cảm giác thiếu vắng “tiếng vọng” thời đại. Lẽ ra trước cuộc sống thời đổi mới ngồn ngộn chất liệu cho sân khấu lên tiếng kia, người cầm bút viết kịch bản, người dàn dựng sân khấu phải “thai nghén” được những đứa con tinh thần điển hình. Nếu đem những vở kinh điển của thế giới như “Hamlet”, “Otenlo”, “Macbeth”… ra để so sánh, thì có vẻ hơi cao siêu, song kỳ thực, đốt đuốc đi tìm cũng khó thấy những tác phẩm như “Tôi và chúng ta”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”… - những vở diễn mà khi tái hồi trên sân khấu, người xem vẫn thấy vẹn nguyên trong đó câu chuyện của ngày hôm nay, thậm chí vẫn có tính dự báo cho tương lai. Có lẽ Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương nói đúng, sân khấu hiện đại với trang bị hiện đại hơn, nguồn thông tin đa chiều hơn, nhưng chỉ “chạy theo” các sự kiện, minh họa và diễn lại thời cuộc. Chính vì lẽ đó mà những vở diễn “tạo sóng” trên sân khấu thời gian gần đây vẫn chủ yếu là kịch bản cũ được dàn dựng lại với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ hiện đại.
Bỏ quan điểm dựng vở cho đủ chỉ tiêu
Đi tìm căn nguyên của vấn đề, không phải bây giờ mà đã từ rất lâu, giới làm nghề thường đổ lỗi cho khâu đầu tiên là kịch bản. Không ít lãnh đạo nhà hát thừa nhận, hàng chồng kịch bản gửi đến nhưng chọn được một kịch bản ưng ý đưa lên sân khấu vô cùng gian nan. Mà không có kịch bản hay, diễn viên có giỏi nghề đến đâu, đạo diễn có nhiều chiêu trò đến mấy thì vở diễn nhạt vẫn hoàn nhạt. Có chăng chỉ có thể gây sự chú ý cho người xem ngay trong thời điểm đó, mà không để lại dấu ấn lâu dài trong trí nhớ công chúng.
Không phủ nhận thực trạng thiếu kịch bản hay, song mổ xẻ tận gốc rễ của vấn đề, các nhà phê bình, lý luận lại “khăng khăng”: Tất cả đều nằm ở yếu tố con người. Nghĩa là kịch bản chưa hay là do người viết chưa có cách tiếp cận vấn đề của thời cuộc một cách tâm huyết và hợp lý; chưa có vở diễn “để đời” là do các đơn vị vẫn chưa thoát khỏi thói quen “có gì dùng nấy”, “so bó đũa chọn cột cờ” trong đống tác phẩm có trong tay… Người viết kịch bản chưa dầu dãi, lăn lộn trong đời sống muôn sắc màu, các nhà hát cũng không kỳ công trong việc đặt hàng, chọn kịch bản thật sự ưng ý. Thế nên các sản phẩm ra đời luôn ở trong tình trạng chưa thực sự thỏa mãn. Bản thân tác phẩm khi nên hình hài trên sàn gỗ cũng chung chung, đôi khi rất cứng nhắc khi giải quyết các tình huống sân khấu.
Và quan điểm chung của các nhà lý luận phê bình lẫn những người làm nghề là nên thay đổi quan điểm khi dựng vở, quan điểm từ khâu chọn kịch bản, chọn diễn viên, đến dàn dựng tác phẩm. Đặc biệt nhất là các nhà quản lý của các đơn vị nghệ thuật nên nhất trí bỏ đi quan điểm chạy đua dựng vở cho đủ chỉ tiêu đã được giao hàng năm.
Một cảnh trong vở kịch ''Hồn Trương Ba, da hàng thịt''.
|