1. Suốt cả tuần nay, quầy hàng thực phẩm 0 đồng tại số 18 Thành Thái (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) trở thành “địa chỉ đỏ” của những người gặp khó khăn trong mùa dịch. Mỗi ngày hai lượt sáng/chiều, quầy hàng phát thực phẩm miễn phí cho khoảng 100 người dân khó khăn.
Khởi xướng quầy thực phẩm đong đầy tình người và sự sẻ chia này là cô Hồ Thị Thanh Huyền (51 tuổi, ở quận Hải Châu, Đà Nẵng, chủ xưởng may). Cô Huyền bảo, dịch bệnh phức tạp, cách ly xã hội kéo dài thế này thì người dân lao động tự do, người nghèo tránh sao được việc phải đối diện với muôn vàn khó khăn.
“Ngày thường, họ còn lo toan với miếng cơm manh áo thì huống chi dịch bệnh triền miên. Mình may mắn hơn bao nhiêu người vì còn có thể xoay sở, hay chí ít cũng có chút tích lũy lâu nay. Cứ nghĩ phải làm điều gì đó để chia sẻ với những người khó khăn, nên cô nảy ra ý tưởng lập quầy thực phẩm 0 đồng để hỗ trợ bà con”, cô Huyền chia sẻ.
Ý tưởng “Đà Nẵng tình người, không bỏ rơi ai trong lúc hoạn nạn” của cô Huyền nhanh chóng lan tỏa và nhận được sự ủng hộ, chung tay của nhiều bạn bè, mạnh thường quân. Người góp gạo, ủng hộ thực phẩm từ rau-củ-quả đến trứng, mì tôm, kẻ góp tiền, góp công. Thế là “quầy hàng thực phẩm 0 đồng hỗ trợ bà con khó khăn trong mùa dịch Covid-19” ra đời. Trên khuôn viên vỉa hè khoảng chừng 10m2 ở số 18 Thành Thái, một siêu thị “dã chiến” mọc lên với đầy đủ lương thực, thực phẩm.
UBND phường Khuê Trung phát phiếu cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, người lao động, sinh viên mắc kẹt... trên địa bàn và các vùng lân cận. Mỗi người sẽ được nhận 3 rổ thực phẩm, gồm: gạo, mì tôm, trứng gà, rau củ quả các loại, nước mắm, xì dầu, dầu ăn, mì chính... Số thực phẩm này đảm bảo cho các hộ khó khăn đủ dùng trong 1 tuần, nếu hết có thể quay lại lấy thêm. Trong cơn khốn khó của đại dịch, đây thực sự là món quà rất quý giá đối với những người lao động nghèo.
Như lời chia sẻ của bà Nga từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng bán vé số kiếm sống, mùa dịch không đi bán được, không thu nhập, cũng không được về quê nên cuộc sống chật vật lắm. “Phần quà giúp chúng tôi giảm bớt gánh nặng và cảm thấy ấm lòng trong mùa dịch. Tôi cảm ơn rất nhiều!”, bà Nga nói.
2. “Lửa tiếp lửa”, hàng trăm nhà hàng ở Đà Nẵng đang trao đi hàng ngàn suất cơm chống dịch. Đó là câu chuyện bếp cơm thiện nguyện Da Nang Kitchen - tâm huyết của chuyên gia ẩm thực Nguyễn Trúc Chi (50 tuổi) đến từ TP Hồ Chí Minh.
Cô Chi ra dự khóa tập huấn và quyết định ở lại tâm dịch Đà Nẵng thay vì theo dòng người trở về lại TP Hồ Chí Minh, để “gom lửa” yêu thương. Cô Chi tổ chức một khóa học online rồi dành toàn bộ học phí tổ chức một bếp cơm đảm bảo tiêu chuẩn, cung cấp những suất cơm ngon, sạch cho các y-bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Thế là Da Nang Kitchen ra đời và đã nhận được sự hỗ trợ của hơn 100 nhà hàng, cửa hàng kinh doanh ăn uống trên địa bàn từ khâu cung cấp nguyên liệu, hỗ trợ kinh phí, nhân lực, địa điểm, phương tiện vận tải…
Từ 1, 2 rồi nay Da Nang Kitchen đã triển khai được 3 bếp cơm với gần 100 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ. “Từ khi hoạt động đến nay, 3 bếp của Đà Nẵng Kitchen đã nấu hàng chục ngàn suất cơm, trái cây phục vụ miễn phí cho tuyến đầu là các y-bác sĩ, người bị cách ly, bệnh nhân tại các bệnh viện, đội ngũ tình nguyện viên... Không chỉ vậy, sau khi TP Hồ Chí Minh có ca dương tính, tụi mình quyết định đưa hình ảnh trực quan quy trình chuỗi cung ứng tổng quát chia sẻ lên mạng xã hội để mọi người có thể tham khảo, với mong muốn ở bất kỳ địa phương nào có bếp từ thiện có thể áp dụng mô hình này để làm nhanh nhất, an toàn”, cô Chi cho biết.
3. Khi dịch bệnh bùng phát mạnh mà đỉnh điểm có ngày Đà Nẵng ghi nhận đến 45 ca dương tính với SARS-CoV-2, anh Võ Anh Truyền (Chủ nhiệm CLB Hoa lan đột biến sông Hàn) viết lời kêu gọi mua 2 máy thở cao cấp (550 triệu đồng/cái) cùng vật tư y tế ủng hộ Bệnh viện Đà Nẵng trong công tác điều trị bệnh nhân.
“Ban đầu, tôi chỉ kêu gọi anh em yêu lan trên toàn quốc ủng hộ được chừng nào tốt chừng ấy, còn lại chúng tôi đóng góp để mua máy thở tặng bệnh viện. Nhưng con số chung tay ủng hộ trong một đêm đã lên vài tỷ đồng và nhiều người bảo tôi hãy tiếp tục mở tài khoản để đón nhận sự chung tay…”, anh Truyền chia sẻ.
Con số ủng hộ vào quỹ phòng chống dịch Covid-19 của hội yêu lan Đà Nẵng cứ thế tăng lên từng ngày, đến thời điểm này hơn 18 tỷ đồng. Có tiền đã khó, làm từ thiện thế nào cho hiệu quả và minh bạch càng khó hơn. Anh Truyền họp bàn các thành viên và quyết định dành phần lớn số tiền mua máy móc, trang thiết bị y tế cao cấp ủng hộ các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn. Phần còn lại mua nhu yếu phẩm tiếp tế cho bà con vùng dịch.
Đến nay, họ đã mua tặng tổng cộng 9 máy thở cao cấp (550 triệu đồng/cái) cho Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện 199 - Bộ Công an, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Ngoài ra, họ còn mua xe cứu thương, hàng chục monitor, máy thở, giường bệnh, dụng cụ y tế… ủng hộ công tác phòng chống dịch. Rồi khi nghe Quảng Nam, Quảng Trị có ca dương tính, nhiều khu dân cư phải cách ly, họ cũng mua khẩu trang, vật dụng y tế và nhu yếu phẩm tiếp tế.
Suốt hơn 2 tuần qua, những anh em ở hội yêu lan Đà Nẵng ngày nào cũng rong ruổi từ sáng cho đến khuya để trao quà từ thiện. Nhà cửa, con cái họ phó thác cho người thân chăm sóc. “Nhiều bữa cơm phải nuốt vội cho xong, không biết mình đang nhai cái gì. Cứ sáng sớm xuất hành thì tối khuya về đến nhà…”, chị Như Ngọc (thành viên CLB) chia sẻ.
4. Làm sao có thể kể hết hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện tử tế nơi tâm dịch Đà Nẵng lúc này. Chỉ có thể nói rằng: Đà Nẵng, tình người rộng mở! Người Đà Nẵng đang gom yêu thương, đang đốt lên tinh thần tương thân tương ái để sẻ chia cùng cộng đồng, tiếp thêm sức mạnh, sức chiến đấu cho tuyến đầu chống dịch.
Tinh thần đoàn kết đã giúp chúng ta chiến thắng Covid-19 ở đợt dịch đầu năm. Thế nên, tin chắc rằng cũng với tinh thần đoàn kết, Đà Nẵng cũng như cả nước, sẽ sớm đẩy lùi Covid-19. Sớm thôi!