Thêm 62 ca mắc Covid-19
Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng cho biết, trong ngày 7/8, địa phương ghi nhận 62 ca dương tính SARS-CoV-2.
Trong đó có 40 ca đã được cách ly, 19 ca ghi nhận ở khu vực phong tỏa, 3 ca trong cộng đồng. Cộng dồn từ ngày 10/7/2021 đến này, Đà Nẵng ghi nhận 1.215 ca mắc Covid-19.
Đáng chú ý, chuỗi lây nhiễm cảng cá Thọ Quang tiếp tục ghi nhận số ca mắc cao với 57 trường hợp dương tính (36 F1 đã cách ly; 18 ca trong khu phong tỏa; 3 ca lấy mẫu khu vực nguy cơ phường Hòa Hiệp Nam). Nhận định chuỗi lây nhiễm này nguy cơ vẫn rất cao.
Bên cạnh công tác truy vết, khoanh vùng, ngành y tế Đà Nẵng đẩy nhanh công tác xét nghiệm. Cụ thể trong ngày, TP xét nghiệm cho 33.036 lượt người.
Về triển khai mẫu giấy đi đường mới cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, đến thời điểm hiện tại, các cấp chính quyền Đà Nẵng đã ký xác nhận 403 doanh nghiệp, số lượng giấy là 47.990.
Các địa phương cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát để hạn chế tình trạng người dân ra đường không lý do và vi phạm phòng chống dịch. Theo đó, trong ngày 7/8, các quận/huyện đã xử phạt 15 trường hợp vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch với số tiền 83,4 triệu đồng. Lũy kế từ ngày 18/6 đến nay đã xử phạt 611 trường hợp với số tiền 1.319 triệu đồng.
Xem xét miễn tiền kiot cho tiểu thương các chợ
Bên cạnh thực hiện quyết liệt các biện pháp để có thể sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19 đang bùng phát, chính quyền TP Đà Nẵng nỗ lực hết mình hỗ trợ, chia sẻ với người dân chịu ảnh hưởng.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh vừa ký báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực HĐND TP, để triển khai hỗ trợ tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng cho tiểu thương tại các chợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hiện tiểu thương kinh doanh tại các chợ trên địa bàn TP Đà Nẵng gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, đang phải tạm dừng kinh doanh đối với các mặt hàng không thiết yếu. Ngay cả các ngành hàng được phép mở cửa kinh doanh cũng luôn ở tình trạng ế ẩm, ít khách do người dân thực hiện tần suất đi chợ 3 ngày/lần.
Dịch Covid-19 khiến cho nguồn thu dịch vụ tại các đơn vị quản lý chợ giảm sút mạnh do các hộ hàng rong nghỉ bán, các hộ kinh doanh cố định thuộc các ngành hàng được phép kinh doanh cũng thưa thớt.
Buôn bán khó khăn nên tiểu thương cũng nợ đọng các khoản chi trả hàng tháng (điện, nước, mặt bằng…). Một số dịch vụ khác, đơn vị quản lý chợ cũng đã tự cân đối để giảm cho các hộ. Nguồn thu giảm mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập chính của viên chức, người lao động trong đơn vị quản lý chợ, trong khi đa số là lao động trực tiếp, thu nhập thấp.
Do đó, UBND TP Đà Nẵng đề xuất miễn 100% tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ cho tất cả hộ cố định và không cố định (hộ hàng rong) đang kinh doanh, buôn bán tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP (không phân biệt ngành hàng).
Thời gian hỗ trợ trong 6 tháng (từ tháng 5 đến tháng 10/2021) với tổng số hộ dự kiến khoảng 19.741 hộ. Tổng số tiền miễn dự kiến khoảng 30,13 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND TP cũng có tờ trình gửi kỳ họp HĐND TP sắp diễn ra, đề xuất chính sách hỗ trợ và chuyển đổi ngành nghề cho các hộ dân nhặt rác tại bãi rác Khánh Sơn. Cụ thể, đề xuất hỗ trợ vốn làm ăn ban đầu để chuyển đổi ngành nghề cho 182 hộ (mỗi hộ 20 triệu đồng), tổng mức hỗ trợ hơn 3,6 tỷ đồng.
Trước đó vào ngày 5/8, UBND quận Sơn Trà chính thức phát tiền hỗ trợ cho người dân 5 phường của quận đang bị phong tỏa gồm Phước Mỹ, An Hải Bắc, Nại Hiên Đông, Mân Thái và Thọ Quang, với 399 tổ dân phố, 31.000 hộ, hơn 126.000 dân.
Đây là chủ trương của lãnh đạo Đà Nẵng nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19. Theo đó, 100% người dân trong khu vực phong tỏa nhận được khoản hỗ trợ 40.000 đồng/người/ngày. Trước mắt, TP dự kiến chi khoảng 100 tỷ đồng thực hiện khoản hỗ trợ này.