Ông Nguyễn Hữu Sia - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng (Cảng Đà Nẵng) cho biết, đơn vị đã có văn bản gửi Sở GTVT Đà Nẵng về việc đầu tư xây dựng bến sà lan Liên Chiểu để trung chuyển hàng hóa từ cảng Tiên Sa nhằm giảm tải cho tuyến nội thị. “Hồ sơ đề xuất sẽ được Cảng Đà Nẵng gửi đến Sở GT-VT Đà Nẵng trước ngày 10/10/2018”, ông Sia khẳng định. Với mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, bến thủy nội địa này sử dụng sà lan trung chuyển conteiner qua Liên Chiểu và sẽ mang lại hiệu quả thiết thực và khả thi nhất.
Ông Sia cho biết, Cảng Đà Nẵng đã nghiên cứu các phương án rút hàng, tính toán các phương án vận chuyển từ cảng Tiên Sa bằng đường thủy từ năm 2016. Cảng Đà Nẵng đã phối hợp với đơn vị tư vấn đánh giá nhu cầu đầu tư và đề xuất phương án bố trí khu bến sà lan trong quy hoạch cảng Liên Chiểu do UBND TP Đà Nẵng đang thực hiện nghiên cứu tiền khả thi. Phương án là giữ lại khu bến sà lan do Cảng Đà Nẵng đầu tư khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động. Khi đó khu bến sà lan sẽ đóng vai trò như một bến thủy nội địa. Cảng Đà Nẵng đã có văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng và các sở, ngành đề xuất chọn vị trí đầu tư dự án, đã được các cấp có thẩm quyền chấp thuận về chủ trương.
Trong nay mai, hàng hóa từ cảng Tiên Sa sẽ được trung chuyển bằng sà lan đến cảng Liên Chiểu, nhằm giảm tải cho các tuyến đô thị Đà Nẵng. |
Cảng Đà Nẵng đã làm việc với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và được Tổng Công ty đồng ý để Cảng Đà Nẵng đầu tư xây dựng bến sà lan Liên Chiểu theo thông báo do Phó Chánh văn phòng Vinalines Dương Hoàng Anh thừa lệnh Tổng Giám đốc ký ngày 1/10/2018. Mới đây, lãnh đạo Vinalines đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng về việc xây dựng bến phà này và cơ bản thống nhất phương án xây bến là lan Liên Chiểu. Trên cơ sở đó, Cảng Đà Nẵng đã chỉ đạo đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát, lập hồ sơ đề xuất đầu tư theo phương án vị trí bến đã chọn.
Hiện nay, các tuyến đường nội thị cho xe container vận chuyển hàng hóa đến cảng Liên Chiểu đã quá tải, nhất là giờ cao điểm. Trong đó, bức xúc nhất là trên trục đường Yết Kiêu - Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn. Để đảm bảo an toàn giao thông trên trục đường này theo đề xuất của Sở GTVT, ngày 27/9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có văn bản thống nhất chủ trương cấm các loại xe sơmi rơmoóc, xe kéo rơmoóc lưu thông trên trục đường Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn trong thời gian từ 16 giờ 30 đến 20 giờ (thay cho thời gian cấm từ 16 giờ 30 đến 18 giờ 30 hiện nay).
Từ ngày 1/10, Cảng Tiên Sa đã tổ chức giao hàng ban đêm khoảng 20 đến 25% thay vì 10% như trước đây nhằm giảm tải cho trục đường nội thị Yết Kiêu - Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn. Thực hiện chủ trương này, các doanh nghiệp đã phối hợp tốt, góp phần giải quyết xung đột giữa dịch vụ du lịch và logistics trong lúc chưa xây dựng được Cảng Liên Chiểu.
Box: Xúc tiến xây cảng Liên ChiểuCảng Liên Chiểu là dự án nhóm A thuộc công trình giao thông, lĩnh vực hàng hải, cơ quan phê duyệt chủ trương đầu tư là Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giao UBND TP Đà Nẵng làm chủ quản dự án.
Theo quy hoạch do UBND TP Đà Nẵng đề xuất thì cảng Liên Chiểu là cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực miền Trung. Đây là cảng biển thứ hai tại Việt Nam sau cảng Lạch Huyện, TP Hải Phòng được quy hoạch với chức năng là cảng cửa ngõ quốc tế.Cảng gồm 5 phân khu chức năng. Trong đó, khu bến tổng hợp được quy hoạch tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 DWT; khu bến container được quy hoạch tiếp nhận cỡ tàu 80.000 đến 100.000 DWT (sức chở 5.000- 8.000 TEU); khu cảng hàng lỏng (xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu như LPG, nhựa đường…) đón được tàu trọng tải đến 10.000 DWT; khu bến thủy nội địa đáp ứng cho tàu từ 1.000 đến 5.000 DWT chạy theo tuyến đường thủy nội địa ven biển và khu dịch vụ logistics, dịch vụ hậu cần sau cảng.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa ký văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị kiểm tra, thống nhất về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung (giai đoạn 1), để báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào ngày 10-10 tới. Theo đó, Dự án cảng Liên Chiểu có quy mô 220 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 32.860 tỉ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2022) có tổng mức đầu tư hơn 7.370 tỉ đồng.
Giai đoạn 1 của dự án gồm các hạng mục như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, giao thông kết nối cảng, hạ tầng kỹ thuật kết nối (điện, nước, thông tin liên lạc)… bảo đảm lượng hàng thông qua từ 3,5-5 triệu tấn/năm. Các hạng mục công trình còn lại phục vụ khai thác bến cảng như bến cập tàu, kè gầm bến, đường bãi trong cảng, kho, nhà xưởng, mạng kỹ thuật và thiết bị khai thác trên bến… được đầu tư theo hình thức kêu gọidoanh nghiệp đầu tư với quy mô phù hợp quy hoạch và tương ứng theo từng giai đoạn phát triển. Dự kiến thời gian hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư dự án là năm 2018-2019, triển khai thi công và đưa vào khai thác là năm 2020-2022.