Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đà Nẵng xử phạt nhà hàng làm 46 khách Lào ngộ độc

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/8, Sở Y tế TP Đà Nẵng đã có công văn 1906/SYT-NYV, báo cáo UBND TP Đà Nẵng về vụ việc liên quan đến 46 du khách nước Lào phải nhập viện điều trị do bị ngộ độc thực phẩm.

Trước đó, vào ngày 29/7 đoàn du khách Lào gồm có 46 người đến du lịch tại Đà Nẵng có đến ăn tại nhà hàng N&M trên đường 2 tháng 9, quận Hải Châu, sau đó xuất hiện các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm: đau quặn bụng, đau đầu, sốt, đi cầu lỏng, nôn mửa phải chuyển gấp vào bệnh viện Hoàn Mỹ (Đà Nẵng).
 Tình trạng ngộ độc thực phẩm có dấu hiệu gia tăng tại Đà Nẵng.
Đến sáng ngày 31/7, sau khi dùng thuốc điều trị ngộ độc và truyền dịch, phục hồi tốt, được các bác sĩ kê đơn thuốc, toàn bộ 46 bệnh nhân đều đã được xuất viện. Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành lập Đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra toàn diện Nhà hàng N&M. Kết quả thanh tra cho thấy Nhà hàng N&M đã có hành vi kinh doanh mất an toàn gây ra ngộ độc thực phẩm. Theo Sở Y tế Đà Nẵng, Nhà hàng N&M đã hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh và chi phí 1 ngày lưu trú phát sinh cho đoàn du khách Lào.

Sở Y tế Đà Nẵng cũng chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở quán ăn trên địa bàn để phòng chống ngộ độc thực phẩm và dịch tiêu chảy xảy ra.

Trong thời gian gần đây trên địa bàn TP Đà Nẵng liên tục xảy ra các vụ ngộ độc liên quan đến thực phẩm. Gần đây nhất là vụ đoàn công tác 17 cán bộ phường 7, TP Vũng Tàu bị ngộ độc do ăn cơm gà trên đường Hồ Nghinh (Đà Nẵng) và tháng 5/2017.

Tình trạng các cơ sở kinh doanh ăn uống sử dụng các loại thực phẩm không an toàn vì mục tiêu lợi nhuận đang có dấu hiệu gia tăng tại TP Đà Nẵng, đặc biệt là trong mùa du lịch. Vấn đề quản lý an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm là vấn đề khó khăn. Quy trình sản xuất, chế biến, giết mổ không đảm bảo vệ sinh, không tuân thủ theo đúng quy định.

Nhiều loại thịt gia súc, gia cầm bán trên thị trường không qua kiểm duyệt của cơ quan Thú y. Chưa kể, ngày càng có nhiều thực phẩm ở nước ngoài nhập về thành phố ngày càng nhiều khiến cho công tác quản lý, kiểm soát gặp nhiều khó khăn, bất cập dù cơ quan chức năng đã vào cuộc.

Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Nguyễn Tiên Hồng khuyến cáo người dân và du khách cần cảnh giác lựa chọn các quán ăn, nhà hàng có đăng ký chứng nhận an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Phía chính quyền Đà Nẵng cũng áp dụng nhiều chế tài xử phạt đối với những trường hợp vi phạm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt là đưa ra chính sách xử phạt đối với những siêu thị và cơ sở nhập thực phẩm không an toàn để tiêu thụ và chỉ đạo xây dựng đề án quy hoạch và kiểm soát các vùng sản xuất thực phẩm sạch trên địa bàn để cung ứng cho người dân.