Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề biến tướng trong bán hàng đa cấp

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay 15/11, trước phiên chất vấn của 4 Bộ trưởng, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.

Theo kết quả giám sát, toàn bộ 914 kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu giải quyết và tính đến hết ngày 30/9/2016 đã có đầy đủ 914 văn bản trả lời gửi đến các cử tri đúng quy định (đạt tỷ lệ 100%).

Các kiến nghị của cử tri đã được thông tin, giải trình, trả lời tương đối cụ thể, rõ ràng, rành mạch hơn trước, được cử tri đồng tình, đánh giá cao. Các bộ, ngành đã nghiên cứu, tiếp thu nhiều kiến nghị của cử tri để ban hành 109 văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Tỷ lệ các kiến nghị được tiếp thu giải quyết dứt điểm dưới dạng ban hành sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật hoặc tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm chiếm 20,56 %, cao hơn so với kỳ họp trước (tỷ lệ này đạt 19,09%).
  Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải 
Bên cạnh đó, việc rà soát để giải quyết dứt điểm các kiến nghị còn tồn đọng từ nhiều kỳ họp trước cũng được các bộ, ngành tích cực giải quyết, tính đến nay, 119 kiến nghị đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết xong như: chế độ chính sách đối với Thanh niên xung phong; về kéo dài thời hạn cho vay mua nhà ở từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng; sửa đổi quy định về chuyển tuyến điều trị, thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh theo Bảo hiểm y tế; về điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995.... Ngoài ra, các kiến nghị chưa thể giải quyết được ngay cũng đang được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết hoặc xây dựng lộ trình để giải quyết dứt điểm.

Tuy nhiên, một số bộ, cơ quan ngang bộ vẫn còn có hiện tượng quá chú trọng tới việc trả lời kiến nghị của cử tri (để tránh tồn đọng) mà chưa quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết các kiến nghị cử tri.

Thực tế còn hiện tượng né tránh những kiến nghị của cử tri cần phải tiếp thu để xử lý, giải quyết hoặc để ban hành, bổ sung, sửa đổi thay thế chính sách pháp luật có liên quan, thì lại chỉ được trả lời dưới dạng thông tin, giải trình tới cử tri. Có những kiến nghị cần tổ chức thanh tra, kiểm tra, kết luận để có căn cứ trả lời cử tri, nhưng chưa được thanh tra, kiểm tra đã có văn bản trả lời cử tri.

Đáng chú ý là trong kiến nghị của cử tri gửi tới các kỳ họp trước đến nay vẫn còn tồn đọng 142 kiến nghị chưa được giải quyết. Trong đó một số bộ còn tồn đọng nhiều như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều là 29 kiến nghị, Bộ Tài chính 24 kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo là 11, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội là 8,...

Việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản hướng dẫn thi hành luật không còn phù hợp với thực tiễn, đã được cử tri kiến nghị tại nhiều kỳ họp nhưng chậm thực hiện, đến nay vẫn còn 75 văn bản chưa được sửa đổi, bổ sung.

Bên cạnh đó, một số văn bản đã được ban hành nhưng chất lượng văn bản vẫn còn hạn chế, tình trạng văn bản mới ban hành nhưng không phù hợp với thực tiễn phải xem xét sửa đổi, bổ sung còn chưa được khắc phục.

Ngoài ra, còn có những trả lời kiến nghị cử tri không đúng với nội dung mà cử tri hỏi, cử tri yêu cầu các cơ quan nhà nước phải giải quyết các vấn đề cụ thể đang gây bức xúc nhưng nội dung trả lời lại rất chung chung chưa rõ ràng, không có lộ trình biện pháp cụ thể giải quyết nên sau khi cử tri nhận được văn bản trả lời nhiều trường hợp lại tiếp tục có kiến nghị.

Ví dụ như trả lời của Bộ KH & ĐT về bố trí vốn từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ để tiếp tục thực hiện các dự án bị đình hoãn còn dang dở; trả lời của Bộ Công Thương về quản lý thị trường, phòng chống hàng giả, gian lận thương mại; về trách nhiệm trong triển khai thực hiện dự án đầu tư mở rộng khu gang thép Thái Nguyên; trả lời của Bộ Nội vụ về Chính sách thu hút người tài; trả lời của Bộ Y tế về nội dung quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; trả lời của Bộ NN & PTNT về xử lý vi phạm phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng; trả lời của Bộ TN & MT về xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ô nhiễm môi trường, khai thác khoáng sản, khai thác cát, đá, sỏi trái pháp luật...

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị của cử tri, hạn chế tối đa tình trạng nợ đọng việc giải quyết; xác định việc giải quyết, trả lời đầy đủ, đúng thời hạn các kiến nghị của cử tri là một trong những tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của bộ trưởng, trưởng ngành; rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung 75 văn bản quy phạm pháp luật (danh mục tại phụ lục 4) đã được ban hành nhưng cử tri phản ánh còn chưa chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi dẫn đến chưa bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chính phủ cần quan tâm để sớm ban hành quy chế tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, trong đó cần xác định rõ sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc giải quyết các kiến nghị của cử tri có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; có hình thức xử lý đối với cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri, để cử tri kiến nghị bức xúc, kéo dài qua nhiều kỳ họp.

Đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, tiến hành rà soát, giải quyết dứt điểm 142 kiến nghị của cử tri còn tồn đọng tại các kỳ họp trước cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể giải quyết dứt điểm 142 kiến nghị tồn đọng này.

Trong đó, đặc biệt quan tâm giải quyết bốn vấn đề mà nhiều cử tri quan tâm đã kiến nghị qua một số kỳ họp Quốc hội, đó là: Tính ổn định của các phương án tổ chức thi tốt nghiệp PTTH và xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng; Vấn đề vi phạm pháp luật và các biến tướng trong hoạt động bán hàng đa cấp; Vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản, thực phẩm hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có chính sách đột phá trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; Vấn đề quản lý và xử lý các sai phạm trong khai thác tài nguyên khoáng sản, chặt phá rừng trái phép.