Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đặc sắc lễ rước nước trong hội đình Chèm

NSNA An Khang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không giống với các lễ hội khác thường được tổ chức vào mùa Xuân, hội Chèm (xã Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) diễn ra vào lúc trời nắng như đổ lửa, với cái nóng hừng hực giữa tháng 5 âm lịch. Tuy nhiên, hiếm thấy năm nào hội Chèm được tổ chức trong bầu không khí dịu mát như năm nay. Cũng chính vì thế, lễ hội đã thu hút đông đảo du khách gần xa về tham dự.

Lễ hội đình Chèm là một trong những hội lâu đời nhất của người dân Hà thành. Đình Chèm là nơi thờ Đức Ông Lý Ông Trọng cùng Đức Bà Bạch Tĩnh Cung và ông Sứ Nguyễn Văn Chất. Đức Thánh Lý Ông Trọng, người đã có công lớn với hai Triều đại Hùng Duệ Vương và An Dương Vương. Ông cũng là nhà ngoại giao đầu tiên của dân tộc, khi được cử đi sứ sang nước Tần và giúp vua Tần dẹp yên sự quấy nhiễu của quân Hung Nô.

Hội đình Chèm là một trong những lễ hội cổ, với nhiều nghi lễ đặc trưng cho các sinh hoạt văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước vùng đồng bằng sông Hồng . Thông qua lễ hội, những bậc cao niên mong muốn truyền thụ cho lớp lớp con cháu hiểu sâu sắc hơn về dòng họ, truyền thống lịch sử, chiến công của cha ông, nhằm khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước cho cộng đồng.

Với những ý nghĩa quý báu đó, ngày 17/6/2016, lễ hội đình Chèm đã được Bộ VHTT&DL trao bằng công nhận là di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Báo Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu những hình ảnh tại lễ hội đình Chèm do NSNA An Khang thực hiện:

Đội tế nữ trình diễn mở màn lễ khai hội.
 Đoàn rước nước trên hành trình ra sông để lấy nước giữa dòng về tế thánh.
 Đội rước nước đặc biệt luôn được che lọng trong suốt hành trình.
 Không khí ngày hội tràn ngập bến sông.
 Trên suốt chặng đường đi lấy nước, đội rước nước được chở riêng trên một tàu nhỏ khác.
 Chiếc tàu trọng tải 350 tấn được trưng dụng vào việc chở đoàn rước đi lấy nước trên sông.
 Đoàn rước nước đi trên chiếc tàu sông diễu qua cửa đình.
  Nghi thức tế thủy thần trước khi lấy nước.
 Thả vòng Càn Khôn để lấy nước giữa dòng sông.
 Nghi thức đảo nước trong 3 vò chứa.
 Những người trong đội khiêng nước phải là thanh niên khoẻ mạnh và quan trọng là chưa có vợ.
 Khi đoàn rước nước về đến đình sẽ tiến hành nghi thức Mật khấn trong hậu cung.
 Kết thúc ngày khai hội là màn thả chim câu, tượng trưng cho khát vọng của dân tộc luôn mong muốn cuộc sống hoà bình.